Phát huy vai trò của Mặt trận trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(Mặt trận) -Đại hội XIII của Đảng, Trung ương khẳng định, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và nhấn mạnh một số nội dung mới, chủ yếu là: Mở rộng phạm vi không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Cần Thơ: Phản biện xã hội các dự thảo về Luật Nhà ở và Nghị quyết ưu tiên phát triển quận Ninh Kiều

Công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước

Nâng cao hiệu quả quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: TTXVN 

Hành động ngang tầm quyết tâm chính trị

Các văn kiện của Đảng, gần đây là Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục ghi nhận, khẳng định và nhấn mạnh rất rõ yêu cầu phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, của nhân dân trong mọi lĩnh vực, từ xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách đến các vấn đề về kinh tế-xã hội liên quan đến đời sống nhân dân. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và xác định vai trò quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội trong đời sống xã hội.

Kết luận số 19, ngày 14/10/2021, của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV chỉ rõ: Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.

Chỉ từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… hình thành cơ chế đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, chặt chẽ.

Có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây. Trong đó, việc xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, dứt điểm giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với hai trường hợp Ủy viên Trung ương là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng trong vụ án sai phạm tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, thể hiện nhất quán quan điểm: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”. Hay như việc xử lý kỷ luật ba lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước do có sai phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán chính là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực nhà nước.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả rất quan trọng, cho chúng ta thêm nhiều bài học quý, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng quan hệ đối ngoại.

Đồng thời, Đảng, Nhà nước đang tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan; vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty AIC. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm theo kế hoạch…

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 và định hướng hoạt động cho giai đoạn tới đã thống nhất đánh giá: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả rất quan trọng, cho chúng ta thêm nhiều bài học quý, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng quan hệ đối ngoại.

Trong đó có vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các thông tin do báo chí nêu về tiêu cực, tham nhũng; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế. Đó là: Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu…

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn còn diễn biến phức tạp; tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. “Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”…

Sức mạnh ý Đảng, lòng dân

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022, về định hướng hoạt động cho giai đoạn tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; của nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân là gốc”; dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không đơn giản “theo đuôi”, chạy theo dư luận…

Công tác giám sát, phản biện xã hội là hoạt động đặc thù, mang tính nhân dân, tính xã hội rộng rãi, là phương thức để nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, quyết sách, là hoạt động quan trọng nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Từ đây cũng khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đầy cam go, nóng bỏng hiện nay.

Thực tiễn quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã cho chúng ta thêm nhiều bài học quý, trong đó là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên. Đồng thời, đang đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp. Đây cũng là chủ đề của nhiều cuộc Hội thảo do Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, đã đi đến thống nhất cao: lĩnh vực công tác này phải bảo đảm quyền lãnh đạo của Đảng: vì Đảng và vì nhân dân; khẳng định trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong lãnh đạo và chịu trách nhiệm cuối cùng về giám sát, phản biện xã hội.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp; ban hành cơ chế, bố trí cán bộ, kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Các hoạt động này đóng góp quan trọng, thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, còn nhiều bất cập, như: tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng trong lĩnh vực này vẫn chưa thật sự bài bản, nền nếp; nhiều nơi, nhiều lúc chưa phát huy được một cách hiệu quả nhất sức mạnh của các tổ chức thành viên; thậm chí còn lúng túng trong xác định đối tượng, nội dung và phương thức thực hiện; nhiều nội dung giám sát, phản biện xã hội còn chung chung, thiếu cụ thể, thiếu tính chuyên sâu nhất là trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; một số cấp ủy còn có nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về giám sát, phản biện xã hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy còn nhiều hạn chế, bất cập; việc giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của đảng viên ở nơi cư trú còn mang tính hình thức hạn chế đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhiều vụ việc vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cấp ủy và người đứng đầu địa phương thời gian qua cho thấy vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy; các cơ quan chức năng; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị cùng cấp, của nhân dân không được phát huy, mờ nhạt, thậm chí bị vô hiệu hóa, dẫn đến sai phạm kéo dài, có hệ thống, ngày càng trầm trọng, gây bức xúc trong nhân dân…

Từ thực tiễn và mục tiêu, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đang đặt ra yêu cầu mới cao hơn.

Từ thực tiễn và mục tiêu, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đang đặt ra yêu cầu mới cao hơn. Đó là, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp...

Mặt khác, từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực nhà nước, góp phần chặt đứt “vòi bạch tuộc” của lợi ích nhóm, nạn bảo kê, “sân trước”, “sân sau” để kinh tế tư nhân thật sự là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân với các trọng tâm như: Quán triệt, triển khai các nghị quyết, quy định của Đảng; giám sát, kiểm tra việc thực hiện của cơ quan cấp ủy về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp dưới; thể chế nghị quyết, quy định của Đảng về giám sát, phản biện xã hội thành cơ chế, quy định của HĐND, UBND địa phương; quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở địa phương trong giám sát, phản biện xã hội; công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện nhiệm vụ; cấp ủy, chính quyền bảo đảm các điều kiện để hoạt động giám sát, phản biện xã hội được thuận lợi, thông suốt gắn liền với việc tiếp thu của cấp ủy, chính quyền, chỉ đạo giải quyết phản ánh, kiến nghị, góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp cần tiếp tục lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp; xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm cách tiến hành giám sát, phản biện xã hội, tập trung cho chủ đề, nội dung là những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục phát huy các hình thức giám sát, giám sát theo chuyên đề, giám sát đột xuất, liên thông giữa 4 cấp. Kinh nghiệm hay mới đây của Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương cho thấy, để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần nhiều hình thức để vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội; qua đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp ghi nhận, tổng hợp những ý kiến đóng góp, phản ánh của nhân dân, có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền và chức năng cùng cấp xem xét giải quyết.

Đồng thời, định kỳ đi vào đánh giá làm rõ ưu điểm, hạn chế, vai trò nỗ lực chủ quan của Mặt trận Tổ quốc, từng tổ chức chính trị-xã hội với tư cách là chủ thể trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị (trong đó có nội dung tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực).

Theo LÊ MẬU LÂM – Báo Nhân Dân