(Mặt trận) - Ngày 24/9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện và giám định xã hội về “Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại, giai đoạn 2021 - 2025”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ cơ sở pháp lý, vị trí, vai trò của kinh tế trang trại trong sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản hiện nay; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế trang trại; chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm tốt trong thực tiễn; những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân. Qua đó đề ra các giải pháp thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Phú Thọ.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ Nguyễn Hải khẳng định: Với nhiều tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế trang trại, thời gian qua, số lượng, chất lượng và quy mô các trang trại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ không ngừng tăng lên.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 342 trang trại. Về sử dung đất đai, ước tổng diện tích đất các trang trại sử dụng là 1.607,4 ha, tăng 104,6 ha so với năm 2016. Thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay toàn tỉnh đã có 100% trang trại ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Tổng giá trị sản xuất của các trang trại đạt trên 1.000 tỷ đồng, chiếm 5,1% tổng giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiêp, thủy sản của tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế trang trại còn nhiều khó khăn, thách thức như: số lượng trang trại tăng nhanh nhưng chất lượng, hiệu quả kinh tế chưa cao. Phần lớn các trang trại phát triển tự phát, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ còn thấp. Đặc biệt, việc liên kết trong phát triển sản xuất và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế...
Để kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, ông Nguyễn Hải đề nghị, cần phát huy vai trò trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực để đóng góp vào dự thảo “Kế hoạch phát triển kinh tế trang trại tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2021 - 2025”. Từ đó làm cơ sở để UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét và ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế trang trại thời gian tới phù hợp với thực tế của địa phương, góp phần phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững.