Nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể các cấp tỉnh Điện Biên

(Mặt trận) -Giám sát và phản biện xã hội một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Vai trò giám sát và phản biện xã hội (GSPBXH) của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và được Đảng cụ thể hóa bằng “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” (Ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị), cùng với việc Quốc hội ban hành Luật MTTQ Việt Nam năm 2015,... là những quy định quan trọng mở ra một bước ngoặt lớn trong nhận thức về GSPBXH của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị cũng như trong xã hội.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Những năm qua, vai trò GSPBXH của MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Điện Biên và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ để góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, cách làm hay, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.

Ngay khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217 về GSPBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 04/4/2014 về phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định 217; tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để quán triệt triển khai Quy chế. Sau hội nghị cán bộ chủ chốt tổ chức ở cấp tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện phối hợp với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội trong thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội.

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên do đồng chí Trưởng đoàn Lò Văn Mừng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm việc với Huyện ủy Mường Ảng, tỉnh Điện Biên 

5 năm qua, với vị trí và vai trò của mình, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Điện Biên đã làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương với các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ GSPBXH, công tác GSPB từng bước đi vào nền nếp và đạt hiệu quả thiết thực. Từ năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã hiệp thương thống nhất xây dựng kế hoạch GSPBXH hàng năm, trong đó nêu rõ vai trò chủ trì của MTTQ và từng đoàn thể chính trị - xã hội, khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian, địa bàn giám sát. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức thành viên; các Hội đồng tư vấn để thực hiện nhiệm vụ giám sát, đặc biệt là đối với PBXH. Kết quả đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh đã tổ chức 294 cuộc giám sát trong đó MTTQ Việt Nam các cấp giám sát 269 cuộc (cấp tỉnh 12; cấp huyện 41, cấp xã 216); các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh giám sát 25 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề kinh tế, xã hội của địa phương, những vấn đề dư luận quan tâm và có liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân như: tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của chính quyền, doanh nghiệp; thực hiện công khai các kết luận thanh tra; giám sát thông qua điều tra xã hội học về “Tham nhũng vặt” trong quản lý nhà nước về đất đai và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn chịu ảnh hưởng của đại dịch covid-19…

Sau giám sát MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị-xã hội đều đánh giá trung thực, khách quan những ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để kiến nghị tới cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan xử lý, giải quyết. Trong 5 năm đã kiến nghị trên 1.000 ý kiến, nhìn chung các đối tượng được giám sát đồng tình với kết quả giám sát và tiếp thu các kiến nghị để điều chỉnh những tồn tại, hạn chế. Cấp ủy, UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan cũng nghiêm túc xem xét các kiến nghị từng bước tiếp thu, điều chỉnh cơ chế, chính sách, đưa ra nhiều biện pháp khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh việc giám sát theo hình thức tổ chức đoàn giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phát huy vai trò giám sát của Nhân dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong 5 năm đã giám sát được 2.031 cuộc, phát hiện và xử lý hàng trăm vụ việc sai phạm góp phần hạn chế thất thoát cho Nhà nước và ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhân dân. Kết quả giám sát góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin trong Nhân dân. 

Bên cạnh việc chủ trì giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp tham gia giám sát 1.577 cuộc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thường trực HĐND, UBND cùng cấp. Qua đó đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND các cấp chỉ đạo giải quyết những vấn đề tồn tại, phát sinh trong thực tế.

Hoạt động phản biện xã hội đã từng bước được triển khai thực hiện có hiệu quả, trong 2 năm 2019, 2020 MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội và 2 Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện 16 dự thảo văn bản với 138 ý kiến phản biện. Trong đó MTTQ Việt Nam tỉnh phản biện 5 nội dung, có 63 ý kiến phản biện; MTTQ các huyện, thị xã, thành phố phản biện 11 nội dung với 75 ý kiến phản biện. Nội dung phản biện quan trọng đã thực hiện gồm dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; dự thảo Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn tỉnh; dự thảo việc sáp nhập, đổi tên các bản, tổ dân phố;… Bên cạnh việc triển khai phản biện, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tham gia góp ý vào 936 lượt văn bản dự thảo luật, nghị quyết, quy chế, quy định, các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trong thời gian tới, để nâng cao năng lực, hiệu quả GSPBXH nhằm tiếp tục góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp giai đoạn 2020-2025, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tỉnh Điện Biên tiếp tục tuyên truyền, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, mục đích, quan điểm, tính chất, nội dung Quyết định 217 của Bộ Chính trị quy định về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng tiếp tục quan tâm lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thực  hiện nhiệm vụ GSPBXH. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan nhà nước để có điều kiện thuận lợi về cơ chế, thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động GSPBXH để trên cơ sở đó lựa chọn ưu tiên nội dung GSPBXH trong từng năm. Tăng cường hiệp thương, thống nhất hành động giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực hiện GSPBXH. Hoạt động GSPBXH của MTTQ Việt Nam chỉ có thể phát huy tốt hiệu quả khi có sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị nhất là các đoàn thể chính trị-xã hội. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tiếp tục phát huy tốt các hình thức GSPBXH. Hướng dẫn cơ sở lựa chọn hình thức giám sát phù hợp, tăng cường hình thức giám sát thường xuyên, đột xuất thông qua dư luận, ý kiến Nhân dân; triển khai giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên theo Quy định 124 của Ban Bí thư. Tiếp tục làm tốt công tác nắm bắt tình hình các tầng lớp Nhân dân để kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng thời thông qua đó phát hiện những nội dung Nhân dân đang quan tâm để thực hiện nhiệm vụ GSPBXH và tham mưu với cấp ủy chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng về GSPBXH cho cán bộ, công chức. Quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ cơ sở và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư để thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Kết quả hoạt động GSPBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tỉnh Điện Biên trong 5 năm qua được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, dư luận trong Nhân dân đồng tình ủng hộ. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tập hợp và phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên, Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, chuyên gia lĩnh vực tham gia GSPBXH. Qua đó vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội được tăng cường, từng bước trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý; góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Điện Biên.

Hà Thị Thu Hương

UVTT, Trưởng Ban DCPL Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên