MTTQ TP Cao Lãnh (Đồng Tháp): Chú trọng giám sát đầu tư của cộng đồng các chương trình, dự án trên địa bàn dân cư

(Mặt trận) -Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cấp xã, phường trên địa bàn TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án hằng năm thông qua giám sát của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) được thực hiện theo Luật Thanh tra, Luật Đầu tư công và Nghị quyết liên tịch số 403 về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

MTTQ huyện Thuận Châu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

 TP Cao Lãnh luôn quan tâm đến việc giám sát đầu tư cộng đồng đối với các công trình ở địa bàn dân cư thông qua Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Ban TTND có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước. Còn theo Nghị quyết liên tịch số 403, Ủy ban MTTQ cấp xã thực hiện việc hướng dẫn Ban GSĐTCCĐ xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đối với chương trình, dự án ở địa bàn cơ sở. Thông qua hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng sẽ góp phần ngăn ngừa những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng các chương trình, dự án trên địa bàn xã, phường đem lại lòng tin cho Nhân dân; đồng thời góp phần thực hiện tốt quy định của Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Đồng chí Mai Văn Nhơn - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cao Lãnh cho biết, nhờ có sự chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, đến nay, TP Cao Lãnh có 15 Ban TTND xã, phường với tổng số 125 thành viên; 15 Ban GSĐTCCĐ với 105 thành viên do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, phường ra quyết định thành lập để thực hiện nhiệm vụ giám sát theo quy định của pháp luật tại cơ sở và các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn. “Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, vai trò hướng dẫn trực tiếp của Ủy ban MTTQ cấp cơ sở, các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ đã phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, bám sát chương trình công tác của MTTQ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường tổ chức thực hiện tốt hoạt động giám sát, góp phần quan trọng vào thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và bảo đảm công khai, minh bạch đối với những nội dung Nhân dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát” - Đồng chí Mai Văn Nhơn cho biết thêm.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các Ban TTND cấp xã trên địa bàn TP Cao Lãnh đã tổ chức 47 cuộc giám sát; phát hiện và kiến nghị với chính quyền, cơ quan có thẩm quyền các cấp đối với 12 vụ việc. Qua đó, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 12 vụ (đạt 100%). Ban GSĐTCCĐ đã tổ chức giám sát được 58 cuộc tại 36 công trình, dự án trên địa bàn. Qua giám sát đã phát hiện và kịp thời kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền và các chủ đầu tư, nhà thầu thi công để kịp thời khắc phục tình trạng không bảo đảm tiến độ thi công, khắc phục những sai sót trong thi công.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể: tính chất hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ là hoạt động giám sát không mang tính quyền lực, không chuyên sâu; không trực tiếp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm mà chỉ dừng lại ở việc phát hiện và kiến nghị xử lý, chính vì vậy mà tính hiệu lực không cao, còn phụ thuộc vào trách nhiệm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, nội dung giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ trải rộng trên nhiều lĩnh vực, trong khi các thành viên của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ hầu hết đều kiêm nhiệm, còn hạn chế về kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, chưa chuyên sâu đối với một số nội dung giám sát dẫn đến chất lượng, hiệu quả giám sát chưa cao; nội dung kiến nghị có khi còn chung chung, chưa cụ thể.

Để phát huy hơn nữa vai trò, vị trí cũng như từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ, MTTQ các cấp trên địa bàn TP Cao Lãnh cần tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ được kịp thời. Thực hiện đúng các tiêu chuẩn lựa chọn thành viên tham gia Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ ở cơ sở bảo đảm về uy tín, sức khỏe, am hiểu chính sách, pháp luật, có kinh nghiệm về chuyên môn và xử lý tình huống thực tế. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp đối với Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ; chú trọng khâu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho thành viên các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đến người dân, phát huy hiệu quả, kinh nghiệm từ hoạt động giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ ở các địa phương để nhân rộng; xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp loại hoạt động đối với Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ ở cơ sở để có giải pháp tác động phù hợp và động viên, biểu dương khen thưởng kịp thời.

D.C