MTTQ tỉnh Tuyên Quang:Phát huy hiệu quả giám sát, phản biện từ cơ sở

(Mặt trận) -Thời gian qua, công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang ngày càng đi vào nền nếp, sâu sát cơ sở và nắm chắc địa bàn. Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở đã bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương thực hiện giám sát, phản biện có hiệu quả, góp phần vào việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Năm 2020 thôn Nà Dầu, xã Yên Lập (Chiêm Hóa) được giao thực hiện 100m đường bê tông nông thôn, được Nhà nước hỗ trợ 18,9 tấn xi măng. Để quy chế dân chủ ở cơ sở được tăng cường, MTTQ xã đã tổ chức giám sát việc thu, chi do nhân dân đóng góp làm đường bê tông tại thôn. Qua giám sát cho thấy, thôn đã thực hiện đủ chỉ tiêu, làm được 100m đường theo tiêu chí nông thôn mới. Việc làm đường bê tông được thực hiện khách quan, minh bạch. Thôn đã tổ chức họp dân, bàn bạc, thống nhất, trên cơ sở đó mới triển khai thực hiện. Việc đóng góp được nhân dân đồng tình ủng hộ, có sổ ghi chép theo dõi thu, chi đầy đủ, khi nhập vật liệu có biên bản kiểm tra. Đoàn giám sát đã đề nghị thôn cần tiếp tục công khai việc chi tiêu các khoản đóng góp của người dân để đảm bảo tính công khai, minh bạch.  

 Ủy ban MTTQ xã Yên Thuận (Hàm Yên) cùng Ban giám sát đầu tư cộng đồng thôn giám sát tiến độ công trình xây dựng đường bê tông tại thôn Vá.

Mới đây, Ủy ban MTTQ xã Bình An (Lâm Bình) đã giám sát việc thực hiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thôn. Qua giám sát cho thấy, sau khi tiếp nhận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, UBND xã đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cân đối nguồn vốn để phân bổ cho các thôn; đồng thời chỉ đạo trưởng thôn, tổ tín chấp vay vốn trên địa bàn toàn xã triển khai, tổ chức họp xét đối tượng vay và hướng dẫn quy trình sử dụng vốn vay đúng mục đích. Ông Bàn Thừa Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết, sau giám sát, MTTQ xã đã chỉ ra một số tồn tại và đề nghị Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tăng cường công tác phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp với chính quyền, các hội, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay, thu lãi, gốc, xử lý nợ quá hạn kịp thời, hạn chế quá hạn phát sinh. Từ đó, giúp các nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

Tại xã Hồng Lạc (Sơn Dương), trước những ý kiến của các bậc phụ huynh, MTTQ xã đã thực hiện giám sát việc xã hội hóa giáo dục tại các trường học. Kết quả, năm học 2019-2020, các trường THCS đã vận động đóng góp xã hội hóa được trên 157 triệu đồng; các trường mầm non huy động được hơn 387 triệu đồng. Từ nguồn xã hội hóa giáo dục trên đã giúp cho các trường có kinh phí tu sửa các phòng học, nhà vệ sinh, lắp đặt công trình nước sạch, mua sắm, bổ sung đồ dùng cho các nhóm trẻ... Qua giám sát, đoàn giám sát cũng kiến nghị với các trường cần thực hiện tốt nguyên tắc tài chính; công khai dân chủ kịp thời các khoản thu chi xã hội hóa của nhà trường đối với phụ huynh và giáo viên nhà trường, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân, nâng cao hơn nữa chất lượng xã hội hóa giáo dục, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 73-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã đi vào nền nếp. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, MTTQ cấp xã đã thực hiện giám sát 5.269 cuộc. Thời gian tới, để phát huy hiệu quả giám sát, phản biện, nhất là ở cấp cơ sở, Ủy ban MTTQ cấp xã cần chú trọng tham mưu cho cấp ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp các ngành, đoàn thể thống nhất xây dựng nội dung, chương trình giám sát gắn với phát huy dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Các lĩnh vực, nội dung giám sát tập trung vào việc giải quyết những vấn đề của đông đảo nhân dân, liên quan đến việc thực thi pháp luật của chính quyền, của công dân. Đồng thời, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội các địa phương cần phát huy vai trò, năng lực phản biện các dự thảo nghị quyết HĐND cấp phường, xã, qua đó đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội từ cơ sở.

Ngọc Hưng