MTTQ tỉnh Lâm Đồng tăng cường giám sát và phản biện xã hội

(Mặt trận) -Thực hiện Quyết định 217 - 218 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò giám sát và phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; thời gian qua, MTTQ và các đoàn thể tỉnh Lâm Đồng đã nêu cao vai trò trách nhiệm, thực hiện hiệu quả nội dung giám sát trên các lĩnh vực, nhất là tăng cường giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tham gia góp ý các dự thảo văn bản liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

 Đại diện các tổ chức thành viên MTTQ tham gia góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2021 và triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tập trung kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, thành lập 5 đoàn kiểm tra, giám sát đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương, cơ sở trong tỉnh; hướng dẫn MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố triển khai công tác kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Đồng thời, phối hợp với HĐND tỉnh giám sát đối với Ủy ban Bầu cử, đơn vị bầu cử các huyện, thành phố về thực hiện công tác bầu cử trên địa bàn 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh. 

Cùng đó, MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức góp ý 12 dự thảo văn bản do các cơ quan đề nghị; các tổ chức thành viên tham gia góp ý 23 dự thảo liên quan đến kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã tích cực tham gia góp ý các dự thảo văn bản liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở. Qua đó, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu nhiệm vụ KT - XH 6 tháng đầu năm tại các địa phương trong tỉnh. 

Về việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, MTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục phối hợp tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực; quyền làm chủ của người dân được chính quyền tôn trọng, cùng bàn bạc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, nổi bật là trong xây dựng nông thôn mới, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong đó, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn. Các Ban Thanh tra nhân dân tổ chức giám sát, kiểm tra được 155 vụ, việc ở các địa bàn cơ sở; qua giám sát, kiểm tra, xác minh, kiến nghị xử lý 36 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, thất thoát, sử dụng không đúng mục đích. Đối với Ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ chức giám sát được 195 công trình dự án đầu tư xây dựng tại các xã, phường, thị trấn với các nguồn vốn do Nhân dân đóng góp, vốn Nhà nước và Nhân dân cùng làm và một số công trình 100% vốn Nhà nước đầu tư. Nhiều nội dung kiến nghị của Nhân dân liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của chính quyền đã được báo cáo, đề xuất, tham mưu xử lý, qua đó góp phần giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, hạn chế đơn thư vượt cấp, kéo dài...

Qua hoạt động kiểm tra, giám sát, đã kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục những sai sót, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng các công trình theo quy định, được sự đồng tình ủng hộ của người dân, từng bước củng cố niềm tin của Nhân dân vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, hòa giải cơ sở; MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, phát huy vai trò Nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124 của Ban Bí thư; kịp thời tiếp nhận thông tin, đơn thư tố giác tiêu cực, tham nhũng, phản ánh với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước… Tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020 - 2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng Trương Thành Được cho biết: Thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng cùng cấp tiếp tục củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải, nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Hiện toàn tỉnh có 1.551 tổ hòa giải với gần 8.000 hòa giải viên; trong đó, số hòa giải viên là cán bộ Mặt trận ở cơ sở là 1.376 người. Đội ngũ này làm rất tốt công tác giám sát tại cơ sở. Chú trọng nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở; khuyến khích, động viên đội ngũ luật gia, luật sư tham gia hòa giải viên tại cơ sở... góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, hạn chế vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

 NGUYỆT THU