MTTQ tỉnh Bình Dương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

(Mặt trận) -Bình Dương là tỉnh được đánh giá cao trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như kịp thời hỗ trợ cho đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi đại dịch này. Riêng việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gọi tắt là NQ42), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã giám sát 6/9 huyện, thị, thành phố và sẽ tiếp tục giám sát, tháo gỡ những vướng mắc để giúp doanh nghiệp, người dân ổn định cuộc sống.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

 TP.Thủ Dầu Một là một trong các địa phương làm tốt công tác hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Trong ảnh: TP.Thủ Dầu Một tiếp nhận hỗ trợ nước uống từ doanh nghiệp

Hỗ trợ kịp thời, giám sát chặt chẽ

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, về công tác giám sát việc thực hiện NQ42, ngay sau hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên và hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc” để triển khai ngay từ đầu hoạt động giám sát hỗ trợ người dân theo đúng chỉ đạo kết luận của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy và được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất kết luận triển khai hoạt động này trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời hỗ trợ người dân đúng chủ trương và pháp luật. Việc giám sát nhằm kịp thời đưa chủ trương của Đảng, chính sách, giải pháp của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội đi vào cuộc sống; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi trục lợi, vi phạm trong thực hiện chính sách; đặc biệt bảo đảm việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại NQ42 được triển khai đúng đối tượng, công bằng, chính xác, kịp thời.

MTTQ và các tổ chức thành viên ở các huyện, thị, thành phố phối hợp với phòng lao động - thương binh và xã hội cùng cấp đã tiến hành giám sát việc hỗ trợ các đối tượng người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương, hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1-4- 2020, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động…

Tiếp tục triển khai

Trong thời gian tới, công tác giám sát thực hiện NQ42 sẽ được tiếp tục triển khai ở các địa bàn còn lại. Những huyện, thị, thành phố đã giám sát sẽ được “tái giám sát” nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trong những tháng qua. Về đối tượng được hưởng trợ cấp, đối với người bán vé số, Bình Dương đã có hỗ trợ rất sớm và kịp thời. Đến thời điểm giám sát (ngày 22-5), phần lớn các đối tượng đều đã nhận tiền hỗ trợ (900.000 đồng/người/15 ngày), chỉ còn một số ít chưa nhận tiền hỗ trợ, do các đối tượng về quê, liên lạc không được hoặc từ chối nhận hỗ trợ… Đối với 8 nhóm đối tượng được quy định trong NQ42 của Chính phủ, qua giám sát đã có 3/8 nhóm đối tượng được chi trả, gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Toàn tỉnh đã có 90% thuộc 3 nhóm đối tượng này được nhận tiền hỗ trợ.

Đối với 5 nhóm đối tượng còn lại hiện đang được hướng dẫn và đã nộp hồ sơ để được hỗ trợ, gồm: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Công tác triển khai và phối hợp giám sát trong hệ thống MTTQ từ tỉnh đến cơ sở được triển khai đồng bộ, từ đó góp phần đưa chính sách hỗ trợ người dân theo NQ42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ đến đúng đối tượng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống và tạo được sự phấn khởi trong nhân dân. Thông qua giám sát đã phát huy được vai trò của MTTQ từ tỉnh đến cơ sở và ở địa bàn khu dân cư trong công tác chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời bảo đảm chính sách hỗ trợ được đến đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Q.NHƯ