MTTQ huyên Châu Thành (Tây Ninh): Phát huy vai trò giám sát đầu tư của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp huyện Châu Thành tích cực đẩy mạnh hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng (GSÐTCCÐ), có nhiều chuyển biến tích cực, tác động không nhỏ đến phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn ngừa những sai phạm trong quá trình thi công các công trình.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

 Giám sát thi công đường giao thông nông thôn tại ấp Tam Hạp, xã Thái Bình.

Huyện Châu Thành hiện có 15 Ban GSÐTCCÐ với 126 thành viên, cơ cấu Trưởng Ban GSÐTCCÐ là Chủ tịch UB.MTTQVN các xã, thị trấn. Thực hiện chế độ hội họp và báo cáo theo định kỳ hằng quý, từ đầu năm đến nay, Ban GSÐTCCÐ ở các xã, thị trấn tổ chức được 54 cuộc giám sát ở 54 công trình. Qua giám sát phát hiện nhiều vấn đề chưa hợp lý trong quá trình thực hiện các công trình, có 3 kiến nghị đối với đơn vị thi công và đã được tiếp thu khắc phục.

Ðể tạo thuận lợi cho các Ban GSÐTCCÐ hoạt động, cấp uỷ, chính quyền các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện công khai, minh bạch trong các công việc liên quan đến cộng đồng- nhất là việc xây dựng các dự án, đề án đầu tư các công trình công cộng.

Bà Nguyễn Thị Kiều Nương- Phó Chủ tịch UB.MTTQVN huyện cho biết: Chương trình giám sát của MTTQ huyện có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện giữa UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn và các tổ chức thành viên. Khi giám sát, MTTQ các xã khảo sát trực tiếp, khảo sát đột xuất tại các công trình, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân địa phương. Kết quả của buổi thực tế sẽ được tổng hợp, đối chiếu với số liệu báo cáo để có đánh giá khách quan, góp ý ngay nếu có hạn chế, sai sót.

Năm 2020, xã Phước Vinh được chọn xây dựng xã nông thôn mới. Theo đó, Ban GSÐTCCÐ tổ chức giám sát 30 công trình- trong đó có 13 công trình đường giao thông nông thôn, giám sát việc xây dựng 17 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, góp ý 15 nội dung.

Ông Lâm Hữu Thế- Chủ tịch UB.MTTQVN xã Phước Vinh cho biết: “Tính đến tháng 9 năm 2020, trên địa bàn xã đã khởi công 13/13 tuyến đường giao thông nông thôn, trong đó có 5 tuyến nhựa và 8 tuyến đường sỏi phún. Mỗi tuyến đường được đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đều thành lập tổ giám sát riêng.

Thông thường một tổ giám sát có từ 5-7 thành viên là những người có uy tín trong cộng đồng. Vì vậy, khi làm tuyến đường nào, thành viên trong tổ sẽ giám sát từ khâu nhận vật liệu đến lu nền và tráng nhựa. Nhờ đó, 13 tuyến đường được xây dựng bảo đảm chất lượng nên người dân rất phấn khởi”.

Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban GSÐTCCÐ, trưởng ban và các thành viên phải là những người có uy tín trong cộng đồng, khách quan, công tâm trong khi làm nhiệm vụ và nhất là phải am hiểu luật pháp ở lĩnh vực mình giám sát; khi phản ánh, kiến nghị vấn đề gì thì phải theo dõi diễn biến các vụ việc mà mình kiến nghị cho đến khi có kết quả sau cùng. Thực tiễn cho thấy, địa phương nào mà cấp uỷ, chính quyền và MTTQ quan tâm đến hoạt động của Ban GSÐTCCÐ thì chất lượng các công trình được bảo đảm, không có tiêu cực, sai sót xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Phức- Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Phước Hoà cho biết thêm: “Khi nhà thầu khởi công thì Ban Giám sát thường xuyên theo dõi quy trình làm- để có các bước kiến nghị với nhà đầu tư bảo đảm lợi ích cho người dân”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UB.MTTQVN xã Phước Vinh, trong quá trình giám sát gặp không ít khó khăn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm, không được đào tạo chuyên môn trong giám sát thẩm định chất lượng công trình, chỉ qua trực quan (đối với công trình đường giao thông chỉ có thể đo để bảo đảm kích thước mặt đường, độ dày của lớp đá, thời gian thi công... không đánh giá được chất lượng công trình; đối với xây nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, thành viên Ban Giám sát thường chỉ xem số lượng vật tư, chủng loại, thời gian thi công có đúng hay không, chưa đánh giá được chất lượng công trình...).

Chia sẻ về những khó khăn đối với công tác giám sát của Ban GSÐTCCÐ các xã, bà Nguyễn Thị Kiều Nương- Phó Chủ tịch UB.MTTQVN huyện Châu Thành nói: “Kỹ năng, phương pháp giám sát của một số thành viên trong Ban GSÐTCCÐ còn hạn chế, do có sự thay đổi về nhân sự Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, khu phố.

Một số dự án, công trình khi thi công chủ đầu tư và ban quản lý chương trình, dự án không gửi hồ sơ thiết kế kinh tế - kỹ thuật cho MTTQ để xây dựng kế hoạch và thành lập ban giám sát, thường đến ngày khởi công hoặc khởi công rồi mới gửi hồ sơ nên gây khó khăn cho việc nghiên cứu, xem hồ sơ thiết kế, xây dựng kế hoạch giám sát không kịp thời theo tiến độ. Một số dự án, công trình khi thi công quá quy mô, kinh phí đầu tư rất lớn, hồ sơ thiết kế rất phức tạp, thành viên Ban GSÐTCCÐ không có khả năng nghiên cứu, cho nên không giám sát được”.

Mặc dù công tác giám sát gặp nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, các Ban GSÐTCCÐ trên địa bàn huyện Châu Thành cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong huyện bảo đảm chất lượng.

T.H