MTTQ các cấp tỉnh Phú Yên: Lắng nghe dân nói, làm để dân tin

(Mặt trận) -Việc lắng nghe ý kiến phản biện của nhân dân không chỉ giúp giải quyết những vướng mắc, các vụ việc ngay từ cơ sở mà còn góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Lắng nghe dân để giám sát, phản biện hiệu quả

Tại UBND xã Hòa Hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội bằng hình thức đối thoại với 60 người dân đại diện cho bà con hai xã Hòa Hội, Hòa Định Tây bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án Hồ Suối Cái (huyện Phú Hòa).

 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên Phạm Thị Ngọc Tuyết trao đổi với các chuyên gia đối với dự án Hồ Suối Cái. Ảnh: THÚY HẰNG

Dự án Hồ Suối Cái được Bộ NN-PTNT quyết định chủ trương đầu tư, nhằm đảm bảo cấp nước tưới cho khoảng 850ha đất nông nghiệp (600ha hoa màu và 250ha mía), tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 10.000 người. Quy mô đầu tư dự kiến xây dựng hồ chứa nước có dung tích khoảng 8,85 triệu m3, gồm các hạng mục: đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước và các công trình phụ trợ. Thời gian thực hiện dự án 4 năm, tổng mức đầu tư dự kiến 450 tỉ đồng. Dù hết sức đồng tình và đánh giá cao sự cần thiết và phù hợp của dự án Hồ Suối Cái đối với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương, song tác động của dự án đến các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân cũng không nhỏ.

Theo hồ sơ thiết kế, dự án có sử dụng diện tích đất là 198,65ha. Trong đó, chủ yếu là đất rừng sản xuất (63,59ha), đất bằng trồng cây hàng năm (113,91ha), đất đồi núi chưa sử dụng (11,7ha), đất sông suối (3,76ha) và đất giao thông (3,69ha). Phần lớn diện tích đất bị thu hồi người dân đang canh tác làm kế mưu sinh. “Khi thu hồi đất và đền bù tiền một lần, người dân không còn đất canh tác phải tự chuyển đổi ngành nghề rất khó tránh khỏi tác động tiêu cực và những bất cập. Vậy việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với chúng tôi sẽ như thế nào?”, ông Thân Văn Đương ở thôn Nhất Sơn đặt vấn đề.

Đây cũng là nội dung được nhiều bà con đề cập tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Hồ Suối Cái. Ông Nguyễn Thiên cũng ở thôn Nhất Sơn cho biết, hiện gia đình ông có 20ha đất rừng trồng keo, bạch đàn. Đây là nguồn sinh kế chính của gia đình. “Dự án triển khai, gia đình tôi sẽ mất khoảng 5ha đất sản xuất. Tuy nhiên, vì đây là công trình thủy lợi nhằm giúp khai thác hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, đất có khả năng canh tác nông nghiệp lớn cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và các ngành kinh tế khác của cộng đồng nên tôi ủng hộ cao. Tôi chỉ mong muốn Nhà nước có biện pháp nào hiệu quả để hỗ trợ sinh kế khi chúng tôi bị mất đất sản xuất trong thời gian tới”, ông Thiên nói và bày tỏ thêm: Vì đất sản xuất chỉ mất một phần nên tôi đề nghị khi thu hồi Nhà nước cần tính đến phương án làm đường để tạo thuận lợi cho người dân trong khâu vận chuyển nhằm đảm bảo quá trình sản xuất.

Cùng với việc đảm bảo sinh kế, hai nội dung khác cũng được nhiều bà con lưu tâm đó là tính công khai minh bạch về chính sách đền bù và sự an toàn của công trình sau khi đưa vào vận hành. Ông Nguyễn Thanh nêu: “Cái khó của công tác giải phóng mặt bằng là khâu đền bù. Do đó, công tác này cần được công khai minh bạch cũng như giải thích cho người dân hiểu tầm quan trọng của dự án, để người dân đồng thuận với mức áp giá bồi thường của Nhà nước nhằm giúp dự án triển khai đúng tiến độ”.

Từ thực tế ảnh hưởng do lũ lụt, nông dân Nguyễn Minh Cảnh rất quan tâm đến công tác an toàn hồ đập. Ông mong muốn trong quá trình triển khai xây dựng cũng như khi đưa vào vận hành, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn cho công trình, cho hạ du, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, một người dân ở thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: THÚY HẰNG 

Đảm bảo quyền lợi của người dân

Thước đo giá trị của phản biện xã hội là độ chân thực, khách quan và tính thực tiễn của phản biện: các nhận xét phải mang tính khoa học, trung thực và có giá trị góp phần vào việc hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với phản biện xã hội là phải có động cơ tích cực, góp phần vào việc xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên đánh giá cao sự thẳng thắn góp ý của bà con về việc thực hiện dự án Hồ Suối Cái. Trên cơ sở ý kiến của bà con nhân dân và ý kiến của các chuyên gia phản biện đối với dự án Hồ Suối Cái, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên sẽ tổng hợp và có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiếp thu theo quy định. Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn mong muốn bà con nhân dân đồng thuận, thống nhất với chủ trương của tỉnh về dự án này. Đồng chí đề nghị chủ đầu tư quan tâm đến việc công khai minh bạch về chính sách đền bù; phối hợp với xã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thu hồi, đền bù dự án. Giao Ủy ban MTTQ xã Hòa Hội thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng đối với dự án; xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể và tổ chức giám sát việc thực hiện dự án đến khi dự án đi vào vận hành.

Thời gian qua, công tác phản biện xã hội của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, bám sát thực tiễn. Công tác này đã tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và thể hiện ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Tùy từng vấn đề mà Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên chọn hình thức để phản biện xã hội. Bà Phạm Thị Ngọc Tuyết, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên cho hay: Việc tổ chức phản biện xã hội bằng hình thức đối thoại đối với dự án này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao của nhân dân từ khi có chủ trương triển khai thực hiện đến khi đi vào vận hành. Thông qua chương trình đối thoại, các bên sẽ làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân; tác động của dự án đối với cộng đồng dân cư; hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đối với địa phương. Dựa vào dân, lắng nghe dân, nói đi đôi với làm, làm để dân tin và từ tin tưởng người dân sẽ đồng thuận, thống nhất cao, không để những vấn đề nhỏ tích tụ thành bức xúc lớn.

THÚY HẰNG