(Mặt trận) -Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp tỉnh Bắc Giang đã chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương để triển khai công tác giám sát. Nhiều nội dung kiến nghị sau giám sát đã được cấp ủy, chính quyền và cơ quan nhà nước chỉ đạo tập trung giải quyết, được người dân ghi nhận.
Chú trọng khâu xây dựng đề cương
Căn cứ nhiệm vụ, tình hình chính trị, KT-XH ở địa phương và các vấn đề người dân quan tâm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang chủ trì, họp với các tổ chức thành viên để thống nhất nội dung giám sát trong năm và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt.
|
Ban Giám sát đầu tư cộng đồng của phường Đa Mai (TP Bắc Giang) giám sát thi công đường giao thông trên địa bàn. |
Cùng đó duy trì thường xuyên hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng. Để công tác giám sát được triển khai hiệu quả, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tập trung hướng dẫn nghiệp vụ; yêu cầu MTTQ các cấp nắm chắc cách thức tổ chức, chủ động rà soát, nghiên cứu văn bản liên quan và xây dựng kế hoạch, đề cương chi tiết. Khi giám sát chú ý các vấn đề trọng tâm về cách thức tổ chức, căn cứ triển khai, kết quả…
Mới đây, Ủy ban MTTQ huyện Lục Ngạn chủ trì giám sát việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; công tác tiếp nhận, sử dụng kinh phí, nhu yếu phẩm hỗ trợ phòng, chống dịch ở các xã, thị trấn trên địa bàn.
Ông Lê Xuân Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch chi tiết với nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong đoàn. Khi giám sát tập trung rà soát đối tượng, quy trình, thủ tục thực hiện, bảo đảm việc phân bổ đúng, phù hợp và không trùng lắp.
Cùng đó, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc như: Một số xã chưa cập nhật xong chứng từ về công tác hậu cần; nhiều trường hợp mất chứng từ, thiếu thành phần hồ sơ do chuyển nhiều điểm cách ly... Từ đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ huyện đã đề xuất cơ quan chức năng sớm có hướng điều chỉnh phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thụ hưởng chính sách”.
Tại thời điểm giám sát, toàn huyện Lục Ngạn đã hoàn thành rà soát, tiếp nhận, chuyển hồ sơ của 6.017 trường hợp, trong đó có hơn 5,1 nghìn người đã được hỗ trợ.
Theo ông Đặng Ngọc Long, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ tỉnh), qua chỉ đạo, định hướng, cơ bản MTTQ cấp huyện, xã đã chọn đúng, trúng giám sát những vấn đề bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và được nhiều người quan tâm như: Công tác bầu cử; công tác cán bộ, đảng viên; hoạt động của văn phòng công chứng; công tác cải cách hành chính...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều nơi đã chủ động lồng ghép nội dung triển khai song vẫn bảo đảm kế hoạch, yêu cầu đề ra. Kết thúc, các đoàn đều xây dựng báo cáo tổng hợp, thông báo kết quả và đề xuất những nội dung kiến nghị cụ thể gửi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung.
Theo sát việc thực hiện các kiến nghị
Với sự tập trung cao trong chỉ đạo, công tác giám sát của MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt nhiều kết quả tích cực. Thông qua đó, nhiều hạn chế, bất cập được kiến nghị và kịp thời khắc phục.
Từ đầu năm đến nay, MTTQ các cấp tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thành lập 342 đoàn kiểm tra, giám sát với 1.790 cuộc. Ngoài ra, Ban Thanh tra nhân dân giám sát được 1.586 cuộc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 434 dự án đầu tư.
|
Đơn cử như tại TP Bắc Giang, qua giám sát việc thực hiện kín hóa rãnh thoát nước trên địa bàn, đoàn nhận thấy công trình thoát nước sau khu dân cư đường Lương Văn Can, tổ dân phố Mai Đình, phường Đa Mai tiếp giáp với khu đất biệt thự dự án hạ tầng kỹ thuật công viên, hồ điều hòa và nhóm dân cư phường Đa Mai nên đã kiến nghị đưa nội dung kín hóa vào dự án chứ không huy động nhân dân đối ứng theo chương trình ban đầu. Kiến nghị này đã được cơ quan chuyên môn của TP và UBND phường nhất trí.
Hiện nay, cống thoát nước đã được làm xong nắp đậy, tạo cảnh quan sạch, đẹp và an toàn cho khu dân cư. Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Bắc Giang thông tin: “Sau mỗi đợt giám sát, chúng tôi phân công cán bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của MTTQ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người dân”.
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức giám sát, bà Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cho hay, trước hết MTTQ phải chủ động xây dựng kế hoạch, trong đó phân định rõ nội dung nào Mặt trận chủ trì, nội dung nào do từng tổ chức chính trị- xã hội chủ trì để phù hợp và tránh trùng tréo.
Quá trình thực hiện phải linh hoạt, quan tâm đến những vấn đề lớn phát sinh; phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, trả lời các ý kiến, kiến nghị sau giám sát. Đặc biệt muốn giám sát tốt thì phải lựa chọn được nội dung phù hợp, đại diện cho tiếng nói của người dân và bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, MTTQ tỉnh Bắc Giang tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Gắn nhiệm vụ giám sát với việc lắng nghe ý kiến của nhân dân, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa MTTQ với HĐND, UBND và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước.
Khôi Nguyên