Mặt trận Tổ quốc Xuân Trường tham gia giám sát và phản biện xã hội

(Mặt trận) -Thực hiện Quyết định số 217 và 218, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, những năm qua, MTTQ huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và các tổ chức thành viên từ huyện đến cơ sở luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng chương trình phối hợp và thống nhất hành động nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện việc giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức; tập hợp ý kiến của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước, qua đó góp phần xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

MTTQ huyện Thuận Châu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với HĐND, các Ban HĐND, các ngành giám sát các hoạt động quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện như: thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát cộng đồng, giám sát huy động quản lý sử dụng các nguồn đóng góp của nhân dân và các tổ chức trong xây dựng nông thôn mới (NTM); việc quản lý và sử dụng đất đai... Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện giám sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam của Công an huyện theo quy định của pháp luật. Trong những năm qua, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc giám sát, qua đó góp phần giải quyết, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc tại cơ sở mà nhân dân quan tâm, kiến nghị; phát huy được vai trò, quyền làm chủ của nhân dân, tạo mọi điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể được thực hiện trên cơ sở tổ chức các hội nghị đóng góp ý kiến, tổng hợp ý kiến, kiến nghị với HĐND, UBND; thông qua các hòm thư góp ý về các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, trật tự an toàn xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, vệ sinh môi trường... MTTQ các cấp trong huyện đã đặt 312 hòm thư góp ý tại các khu dân cư, 20 hòm thư tại trụ sở đảng ủy, HĐND, UBND xã, thị trấn, 1 hòm thư tại trụ sở cơ quan Ủy ban MTTQ huyện để tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp; tổ chức 25 hội nghị phản biện, tham gia góp ý vào 42 dự thảo văn bản. Công tác giám sát, phản biện xã hội đã giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền lựa chọn được phương án tốt hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, đồng thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, tham nhũng tiêu cực. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp trong huyện tích cực phối hợp với HĐND, UBND các cấp tổ chức tốt các kỳ tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tổ chức tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật theo chương trình làm việc của Quốc hội và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. MTTQ còn phát huy quyền dân chủ của nhân dân, vai trò đại diện của MTTQ, các tổ chức thành viên và mối quan hệ công tác giữa Ủy ban MTTQ với chính quyền cùng cấp; tổng hợp, báo cáo phản ánh về những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân với các cấp có thẩm quyền đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương... Từ đó, các ý kiến phản ánh, kiến nghị đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định góp phần tích cực vào việc củng cố, tăng cường, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, tạo sự đồng thuận trong xã hội, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện quy chế giám sát đầu tư cộng đồng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã hướng dẫn kiện toàn Ban giám sát đầu tư cộng đồng; tổ chức tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động. Hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng bước đầu đạt được hiệu quả thiết thực. Các công trình xây dựng hạ tầng ở địa phương có nguồn vốn đóng góp của nhân dân được giám sát chặt chẽ, chất lượng được đảm bảo, qua đó tạo niềm tin trong nhân dân và huy động được mọi nguồn lực để xây dựng NTM. Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, MTTQ và các tổ chức thành viên trong huyện đã vận động nhân dân, các hộ gia đình góp, hiến hàng trăm mét vuông đất, hàng nghìn ngày công, hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi, làm đường giao thông, giao thông thuỷ lợi nội đồng... Đến nay, đã có 32,6/32,6km đường huyện được bê tông nhựa, nhựa hóa đạt 100%; 122,82km đường trục xã; 131,94km đường trục thôn; 398,49km đường dong, ngõ xóm; 130,49km đường giao thông trục chính nội đồng được cứng hoá. 100% các địa phương đều có hệ thống điện đạt chuẩn; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%; xây mới và cải tạo, nâng cấp được 177 nhà văn hóa thôn, xóm với kinh phí từ 400 đến 900 triệu đồng/nhà văn hóa; 19 sân thể thao xã và xây mới 8 nhà văn hóa trung tâm xã. Ngoài ra, MTTQ các cấp huyện Xuân Trường còn tham gia thực hiện, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; phối hợp tổ chức thực hiện tốt công tác hoà giải, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn hoạt động công tác cho Ban thanh tra nhân dân, các tổ hoà giải ở cơ sở; kiện toàn Ban thanh tra nhân dân ở các xã, thị trấn; kiện toàn các tổ hoà giải cơ sở. Đến nay, đã thành lập Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở 20 xã, thị trấn; thành lập 312 tổ hoà giải ở khu dân cư, các tổ hòa giải đều do Ban công tác Mặt trận và các cụ cao tuổi phụ trách. Cùng với đó, MTTQ còn động viên nhân dân hăng hái đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền nhất là tham gia đóng góp cho cán bộ, đảng viên khi về sinh hoạt cùng cộng đồng khu dân cư nơi cư trú. Thường xuyên lắng nghe tổng hợp phản ánh kịp thời những tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, dư luận xã hội với cấp uỷ, chính quyền. Các hoạt động MTTQ huyện tham gia giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Thời gian tới, MTTQ các cấp huyện Xuân Trường tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; tổ chức triển khai hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15-6-2017 giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Triển khai thực hiện Quy định số 124 ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên./.

L.H