Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đông Hà nâng cao chất lượng phản biện xã hội

(Mặt trận) -Bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phản biện xã hội, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã xem đây là một trong những chức năng, nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu và tập trung triển khai hiệu quả, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển về mọi mặt của đô thị trung tâm tỉnh lỵ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

 Đập ngăn mặn sông Hiếu, một công trình giao thông - thủy lợi được xây dựng trên địa bàn thành phố Đông Hà - Ảnh: T.T

Phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là việc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước. Tính chất, mục đích của phản biện xã hội của MTTQ mang tính xã hội, khách quan, khoa học, xây dựng, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả của văn bản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Hoạt động phản biện xã hội của MTTQ mang tính xã hội rộng lớn, thể hiện trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân mang tính khách quan, khoa học, phù hợp với thực tiễn trong việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước.

Trên cơ sở này, MTTQ Việt Nam thành phố Đông Hà đã có nhiều kế hoạch, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả phản biện xã hội, nhất là dự thảo các quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch lớn...của thành phố.

Tiêu biểu như tổ chức các hội nghị phản biện xã hội, tham vấn cộng đồng xây dựng đập ngăn mặn sông Hiếu; quy hoạch, xây dựng, quản lý và sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn Đông Hà; đặt tên đường, cầu và điều chỉnh điểm đầu, điểm cuối một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Đông Hà đến năm 2030; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2045; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn thành phố...

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đông Hà Nguyễn Hồng Hải cho biết: Quy trình tổ chức phản biện xã hội được Ban Thường trực UBMT thành phố thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định pháp luật. Trong quá trình thực hiện đã chủ động và phát huy vai trò của các ủy viên UBMT, thành viên ban tư vấn, các cá nhân tiêu biểu, nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong Nhân dân tham gia công tác phản biện xã hội.

“Sau các cuộc phản biện xã hội, Ban Thường trực UBMT thành phố xây dựng báo cáo, kiến nghị gửi đến các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo các quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch. Trong đó, nêu rõ thời gian nghiên cứu, tiếp thu, trả lời các kiến nghị để Ban Thường trực UBMT thành phố biết...

Nhiều vấn đề thiết thực, chính đáng, nhất là liên quan đến sinh kế, sinh hoạt của người dân, xây dựng hạ tầng và văn hóa văn minh đô thị từ các cuộc phản biện xã hội đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung. Có thể khẳng định, công tác phản biện xã hội đã phát huy dân chủ ở cơ sở, góp phần để quyết sách của cấp ủy, chính quyền về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị địa phương sát với thực tiễn cuộc sống, phát huy tốt hiệu quả”, bà Nguyễn Hồng Hải khẳng định.

Thực tiễn cũng cho thấy, công tác phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thành phố Đông Hà vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đáng chú ý là công tác phối hợp tổ chức phản biện xã hội giữa MTTQ với các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo các quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch có lúc chưa chặt chẽ.

Có cơ quan chủ trì soạn thảo thiếu chủ động, gửi dự thảo cho MTTQ chậm nên việc tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến phản biện chưa được sâu rộng, chất lượng chưa cao. Việc tiếp thu, trả lời, phản hồi các kiến nghị của MTTQ sau phản biện xã hội của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa kịp thời. Vai trò phản biện xã hội của MTTQ có lúc chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận làm công tác phản biện xã hội chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ phản biện xã hội; còn có tâm lý ngại va chạm nên ảnh hưởng tới chất lượng phản biện xã hội.

Để nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam thành phố Đông Hà tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện đúng quy định, quy trình để nâng cao chất lượng, hiệu quả phản biện xã hội. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn thành phố. Phát huy tốt vai trò của các ủy viên UBMT, thành viên ban tư vấn, các cá nhân tiêu biểu, nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong các tầng lớp nhân dân, tôn giáo đối với công tác phản biện xã hội. Từ đó, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của mọi giai tầng xã hội vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

T.T