(Mặt trận) -Tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tỉnh Lâm Đồng đã tích cực thực hiện nhiệm vụ và đạt nhiều thành quả quan trọng. Qua đó, góp phần củng cố xây dựng khối đại đoàn kết, tiếp thêm niềm tin của Nhân dân với Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
|
Các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia góp ý xây dựng chính quyền |
Năm 2022, hoạt động giám sát và phản biện các dự thảo nghị quyết, các văn bản của tỉnh và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; có sự đổi mới cả về nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát. Cụ thể, trong năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh lựa chọn các nội dung giám sát và phản biện xã hội; lấy ý kiến thống nhất của HĐND, UBND tỉnh, trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến, phê duyệt và ban hành Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội trên địa bàn tỉnh. MTTQ triển khai các chuyên đề giám sát và phản biện xã hội, như: “Giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ đối với các sở, ngành của tỉnh”; “Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025) đối với các sở, ngành thuộc tỉnh”, “Giám sát việc giải quyết khiếu nại của các hộ dân liên quan đến việc tính toán bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại lô 90, huyện Đức Trọng”, “Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét huyện Đức Trọng”. Đồng thời, phản biện Dự thảo Đề án Phát triển đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Đề án Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng - hệ thống chính trị năm 2023…
Được biết, đến nay, MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành việc tổ chức 6 cuộc giám sát chuyên đề, bao gồm: “Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét tại huyện Đức Trọng” “Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại của các hộ dân liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tại lô 90 huyện Đức Trọng”, “Giám sát việc giải quyết khiếu nại của các hộ dân liên quan đến việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại chợ Đinh Văn cũ, huyện Lâm Hà”, “Giám sát việc giải quyết khiếu nại của một số hộ dân tại thôn Nông Trường, xã Liên Đầm, huyện Di Linh đối với việc nhận khoán đất nông nghiệp tại Nông trường 22/12”, “Giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Quy định tại Điều 19 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh” và “Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025) trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời, hoàn thành việc giám sát và báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Quá trình giám sát, bám sát các hình thức, quy trình giám sát, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, hội đồng tư vấn nghiên cứu, phân tích, đánh giá làm rõ những mặt ưu điểm, những vấn đề còn hạn chế để kiến nghị có các giải pháp tiếp tục phát huy, khắc phục và phối hợp với tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hầu hết kiến nghị sau giám sát đều được các đơn vị, địa phương, cá nhân liên quan tiếp thu và tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các quy định về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013-2021.
Công tác phản biện xã hội đạt được những kết quả tích cực. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì tổ chức 3 hội nghị phản biện xã hội đó là: “Phản biện dự thảo Đề án Phát triển đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh Lâm Đồng”, “Phản biện Dự thảo Đề án Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, “Phản biện Dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023”. Tại các hội nghị phản biện, hầu hết các ý kiến đã được cơ quan soạn thảo văn bản, cơ quan tham mưu xây dựng các đề án, nghị quyết trực tiếp tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện văn bản, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.
Ông Trương Thành Được - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng cho biết, để tiếp tục phát huy tốt công tác giám sát, phản biện, Ủy ban MTTQ tỉnh đã đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp hiệu quả, khả thi để duy trì và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị UBND tỉnh tập trung giải quyết, xử lý những tồn tại hạn chế trong thời gian qua, tiếp tục hỗ trợ Nhân dân ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai; giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa các giải pháp quản lý, tuyên truyền, vận động để khắc phục những vấn đề Nhân dân băn khoăn, lo lắng.
N.T