Mặt trận các cấp tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh thực hiện giám sát và phản biện xã hội

(Mặt trận) -Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền và các ban, ngành. đoàn thể, Mặt trận các cấp tỉnh Ninh Thuận đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới, khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả các chương trình hoạt động đã đề ra. Trong đó, nổi bật nhất là Mặt trận các cấp đã phát huy dân chủ, thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội (PBXH), góp phần xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Điểm ghi nhận trước tiên, đó là Mặt trận các cấp tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và chương trình an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng, an ninh và xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh. Về phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, trong năm qua, Mặt trận các cấp đã phối hợp tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND các cấp bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì, phối hợp tổ chức 219 buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, có 10.648 lượt cử tri tham dự, với trên 1.588 lượt ý kiến, kiến nghị. Sau mỗi đợt tiếp xúc, Mặt trận các cấp đã tập hợp, phân loại, xây dựng báo cáo tổng hợp gửi đến kỳ họp HĐND các cấp, góp phần giải quyết hiệu quả các ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân quan tâm... Công tác đối thoại với nhân dân cũng được Mặt trận các cấp quan tâm thực hiện. Trong năm, đã chủ động tham mưu đề xuất cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đông đảo người dân địa phương.

Về công tác giám sát, PBXH, Mặt trận các cấp đã tập trung đổi mới theo hướng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người dân, được dư luận xã hội quan tâm. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 6 cuộc giám sát chuyên đề về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ. đảng viên; giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; giám sát công tác cải cách hành chính; giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài ở địa phương; giám sát chuyên đề thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong năm qua đã tổ chức 4 hội nghị tọa đàm nâng cao chất lượng công tác giám sát và PBXH cho trên 184 cán bộ Mặt trận các cấp tham gia. Riêng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 13 hội nghị PBXH đối với dự thảo các báo cáo, đề án, chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Tổ chức lấy ý kiến của MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, hội đồng tư vấn, ban tư vấn... tham gia góp ý vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tham gia 2 hội nghị trực tuyến toàn quốc PBXH đối với dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Đất đai (sửa đổi) do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. Tham gia góp ý trên 90 dự thảo văn bản của Mặt trận trung ương và các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận và Mặt trận các huyện, thành phố đã kịp thời xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Mặt trận các cấp đã phối hợp hướng dẫn tuyên truyền pháp luật, hòa giải ở cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Hiện nay trên toàn tỉnh có 65 Ban Thanh tra nhân dân với 605 thành viên; 78 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với 629 thành viên. Đã tổ chức và tham gia 154 cuộc giám sát các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở; các công trình nước sạch, xây dựng kênh mương, đường giao thông liên thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; quản lý thu - chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp, công khai các loại phí và thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc rà soát công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết... Tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đã đăng tải, công bố công khai các nội dung theo quy định trong mục thông tin “Phòng, chống tham nhũng” trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận...

Trong thời gian tới, để công tác giám sát và PBXH đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa, Mặt trận các cấp tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thực hiện việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, PBXH. Tăng cường PBXH theo chuyên đề để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống Mặt trận các cấp. Chủ động tạo sự gắn kết giữa công tác nắm tình hình nhân dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri với việc triển khai công tác giám sát và PBXH. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch giám sát, PBXH để bảo đảm nội dung và kết quả thực sự sát với những vấn đề mà Đảng và Nhà nước mong muốn, nhân dân quan tâm. Chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành các dự thảo chính sách, pháp luật của địa phương, nhất là các dự án phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển địa phương; phát huy hơn nữa vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, hội đồng tư vấn tham gia vào công tác PBXH. Đặc biệt phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân, Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác PBXH tại địa phương.

N.T