Luật Nhà ở năm 2023: UBND tỉnh có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

(Mặt trận) - Luật Nhà ở năm 2023 giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt. Việc trao quyền gắn với trách nhiệm để tạo cơ chế linh hoạt cho địa phương triển khai thực hiện.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung 2 hình thức mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. 

Chung cư mini đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp sổ hồng

Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Luật Nhà ở năm 2023 gồm 13 chương, 198 điều, giảm 4 chương và tăng 15 điều so với Luật Nhà ở năm 2014.

Luật đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, theo đó, quy định nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại theo Luật Đất đai (sửa đổi) thuộc trường hợp được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời, chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại (không thông qua đấu giá, đấu thầu).

Đáng chú ý, Luật bổ sung quy định về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện đầu tư, xây dựng nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

"Điều 57 Luật Nhà ở năm 2023 đã nêu rõ điều kiện để phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho mua, cho thuê. Theo đó, cá nhân có quyền sử dụng đất muốn xây dựng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ để bán, cho thuê mua, cho thuê phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở. Việc đầu tư xây dựng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, cũng như quy định khác liên quan", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Luật cũng quy định căn hộ chung cư mini (nhà ở từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có thiết kế căn hộ, hoặc từ 2 tầng, có quy mô 20 căn hộ trở lên) đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận theo pháp luật đất đai (còn gọi là sổ hồng). Những căn hộ này cũng được bán, cho thuê, thuê mua theo quy định Luật Nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Với căn hộ chung cư mini (nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ, tại mỗi tầng có thiết kế) chỉ để cho thuê, cá nhân có quyền sử dụng đất phải đáp ứng 3 điều kiện: một là, yêu cầu về xây dựng nhà ở theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, và tới đây sẽ có quy định cụ thể về điều kiện này; hai là, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy; ba là về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú khi mua, thuê mua nhà ở xã hội

Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Nhà ở năm 2023 là chính sách nhà ở xã hội. Luật xác định rõ trách nhiệm dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Theo đó, Luật giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt. “Việc trao quyền gắn với trách nhiệm để tạo cơ chế linh hoạt cho địa phương triển khai thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Về hình thức phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Luật bổ sung 2 hình thức mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Cụ thể, bên cạnh việc được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, thì công nhân, người lao động tại khu công nghiệp còn được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Lực lượng vũ trang nhân dân được mua, thuê, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng thời, đề xuất doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho công nhân, người lao động của mình thuê lại. Luật cũng bổ sung quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

Các quy định cụ thể về điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội cũng được sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính nhiều hơn, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp thuận lợi hơn khi đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. "Luật đã bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú khi mua, thuê mua nhà ở xã hội, chỉ còn điều kiện về nhà ở và thu nhập. Trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, thu nhập, chỉ cần đúng đối tượng”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói. 

Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp phần tăng nguồn cung nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai; được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; được ưu đãi tối đa 20% tổng diện tích đất ở (hoặc 20% tổng diện tích sàn xây dựng của dự án) để xây dựng công trình, kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại theo chủ trương đầu tư dự án đã được chấp thuận.

Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thực hiện đồng bộ theo pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu, nhằm bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật. Việc xác định giá bán, cho thuê mua, cho thuê được quy định cụ thể phương pháp xác định và thời điểm xác định, bảo đảm cụ thể, dễ thực hiện.

Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025. Để bảo đảm các quy định của luật được triển khai có hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật; thực hiện ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật; tổ chức quán triệt việc thực hiện, phổ biến Luật Nhà ở và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết.