Lào Cai: Hội nghị phản biện xã hội đối với việc thu hút, hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nguồn nhân lực của tỉnh

(Mặt trận) - Chiều 29/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về sửa đổi bổ sung một số điều của quy định chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

 Quang cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, ngoài một số ý kiến cần làm rõ hơn và đề nghị bổ sung, sửa đổi nội dung, đa số đại biểu nhất trí với đề xuất tại Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo Tờ trình của UBND tỉnh, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND, ngày 4/12/2020 của HĐND tỉnh quy định về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025 đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó đã tạo động lực cho đội ngũ bác sỹ tham gia đào tạo trình độ sau đại học, bổ sung đội ngũ bác sỹ có trình độ cao của tỉnh.

Điểm hạn chế hiện nay là nhân lực ngành y tế Lào Cai, cụ thể là số bác sỹ vẫn thiếu, nhất là cho tuyến xã; số sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học y đăng ký dự tuyển vào ngành y tế Lào Cai thấp hơn chỉ tiêu cần tuyển; tỉnh vẫn thiếu cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu cho một số ngành. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung chính sách đãi ngộ, khắc phục những bất cập là rất cần thiết.

Đối với nhân lực ngành công nghệ thông tin, Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND đã quy định chính sách đãi ngộ hàng tháng đối với công chức, viên chức làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin với mức phụ cấp hàng tháng từ 2 đến 3 lần mức lương cơ sở, đảm bảo mức thu nhập tương đương 60 - 70% so với khu vực doanh nghiệp; hằng năm có trên 40 cán bộ, viên chức được hưởng chính sách đãi ngộ trong khi số người thực tế làm nhiệm vụ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh là gần 200 người. Chính sách của tỉnh hiện mới chỉ giới hạn ở cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin, chưa có chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Nhân lực chuyên ngành công nghệ thông tin ở các cơ quan, đơn vị, địa phương hiện đang thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, khó đảm bảo hoạt động thông suốt của hệ thống công nghệ thông tin, nhất là khi xảy ra sự cố; nguy cơ mất an toàn thông tin, ngưng trệ hoạt động quản lý nhà nước là không tránh khỏi.

Bởi vậy, Tờ trình của UBND tỉnh là cần phải sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút của tỉnh, đảm bảo đủ sức hút, mức đãi ngộ phù hợp để động viên, giữ chân người làm công nghệ thông tin, người làm công tác chuyển đổi số yên tâm công tác.

Theo Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Nghị quyết 11/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, các điều được sửa đổi, bổ sung bao gồm: Điều 1 về quy định chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nguồn nhân lực; Điều 2 về chính sách đãi ngộ đối với bác sỹ làm việc trong các cơ sở khám - chữa bệnh, các đơn vị khối y tế dự phòng, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, cơ sở cai nghiện ma túy; Điều 5 về chính sách đãi ngộ hàng tháng đối với công chức, viên chức làm nhiệm vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Tại hội nghị, các đại biểu đã sôi nổi đóng góp ý kiến, hầu hết đều đồng thuận, nhất trí cao với nội dung Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh.