Lắng nghe dân, làm để dân tin

(Mặt trận) - Những ngày đầu Xuân 2022, đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước chú tâm theo dõi và nức lòng khi nghe Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 21 ngày 20/1/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và cho ý kiến về Chương trình công tác năm 2022. Với quyết tâm chính trị cao, dựa vào dân, lắng nghe dân, nói đi đôi với làm, làm để dân tin và vì tin dân nên mới ra sức làm, kiên quyết làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ thành công.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp 

Thông điệp đầy tâm huyết  

Kết luận như một thông điệp đầy tâm huyết của người đứng đầu Đảng ta gửi đến toàn Đảng và Quốc dân về kết quả một năm nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng nghỉ, kiên trì, kiên quyết, bài bản, ngày càng có hiệu quả hơn, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao.

Thực tiễn cho thấy, Đảng ta đã và đang hành động rất quyết liệt trước thách thức của “giặc nội xâm” tham nhũng, tiêu cực đang làm suy yếu Đảng, đe dọa sự thịnh suy của quốc gia, sự tồn vong của Đảng và chế độ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Minh chứng rõ nhất thể hiện trong kết luận, trong năm 2021, toàn Đảng đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp đột phá mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung hoàn thiện pháp luật, tạo khí thế mới về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/7.066 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng và 20.257 đảng viên; thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trên 15.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị lớn. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ năm 2013 đến nay, đã thu hồi được hơn 31.000 tỷ đồng (đạt 33,33%); trong đó, năm 2021 thu được trên 9.000 tỷ đồng.

Không chỉ trong năm 2021 mà trong gần 10 năm trở lại đây, kể từ Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI (tháng 10.2012), khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cho đến nay; với những quyết sách cứng rắn, Tổng Bí thư và Đảng ta đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực không phải từng vụ, từng việc mà thành một phong trào, một xu thế, liên tục, không ngừng nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, không có vùng cấm. Nhiều đại án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng được điều tra, xét xử; thi hành kỷ luật hàng chục nghìn cấp ủy viên và đảng viên sai phạm. Trong đó, từ năm 2013 - 2021, có 142 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật (4 Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 31 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 43 sĩ quan cấp tướng). Điều đó cho thấy, quyết tâm của Đảng vượt qua điều thách thức gọi là “đâu sẽ vào đấy” như tiền lệ trước đây; góp phần hun đúc, củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của Nhân dân đối với Đảng và chế độ ta.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chỉ rõ những tồn tại, khó khăn, thách thức lớn phía trước, bước sang năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, suy thoái.

Từ những bài học thực tiễn chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư của Đảng lưu ý 6 nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, phải xây dựng, hoàn thiện thể chế để "không thể tham nhũng"; cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực Nhân dân giao cho Đảng và Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tuyên truyền, giáo dục liêm chính, không tiêu cực, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trước hết là thực hiện trách nhiệm nêu gương trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thành viên  Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và người đứng đầu các cấp.

Nhân dân luôn theo dõi, ủng hộ và đánh giá cao công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo trong thời gian qua. Đồng thời, cũng bày tỏ băn khoăn rằng, với những quy định pháp luật rất nghiêm khắc và xử lý quyết liệt như hiện nay, nhưng tại sao tội phạm tham nhũng, tiêu cực vẫn phát sinh nhiều vụ? Biểu hiện như một số vụ cố ý làm trái quy định, tham nhũng đất đai, nâng khống giá thiết bị y tế, điển hình là vụ Việt Á … diễn ra gần đây, khi mà “Lò thiêu” chống tham nhũng đang “cháy rừng rực”?

Nhân dân mong muốn và tin tưởng Đảng, Nhà nước tìm ra nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của vấn đề, từ đó, siết chặt kỷ cương, làm cho hiệu năng của thể chế đủ sức răn đe, cơ chế giám sát của xã hội đủ mạnh khiến cho những kẻ có manh nha cũng "không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”. Có giải pháp thường xuyên công khai, minh bạch công tác cán bộ và hoạt động của tổ chức Đảng, Nhà nước, của đội ngũ cán bộ liên quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kết hợp giáo dục liêm chính gắn với sự lên án mạnh mẽ của xã hội bằng nhiều hình thức đối với những hiện tượng, dấu hiệu, hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm chuẩn mực đạo đức công vụ; hướng tới văn hóa công vụ “nói không với tham nhũng” và “không cần tham nhũng”.

Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chứng tỏ rằng, với quyết tâm chính trị cao, dựa vào dân, lắng nghe dân,nói đi đôi với làm, làm để dân tin và vì tin dân nên mới ra sức làm, kiên quyết làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ thành công.