Lắng nghe dân để giám sát, phản biện hiệu quả

(Mặt trận) -Năm 2020, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được triển khai toàn diện, hiệu quả. Thông qua việc thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, Mặt trận các cấp đã lựa chọn những vấn đề dư luận xã hội quan tâm để tập trung giám sát và phản biện xã hội.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

 Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương kiểm tra thực tế tại nhà thuốc Hiếu Hiền ở phố Ghẽ, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng.

Xác định, công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Mặt trận các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên góp ý thường xuyên, định kỳ và đột xuất bằng nhiều hình thức khác nhau với hàng trăm ý kiến đối với các cấp ủy đảng, chính quyền về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Những con số thống kê cho thấy, hoạt động giám sát của Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được triển khai toàn diện và ngày càng hiệu quả. Thông qua việc thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, Mặt trận các cấp đã lựa chọn những vấn đề dư luận xã hội quan tâm để tập trung giám sát và phản biện xã hội.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương, trong năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng chương trình giám sát với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân tại 4 đơn vị cấp huyện, 4 đơn vị tuyến xã và một số cơ sở khám chữa bệnh và kinh doanh thuốc.

Song song với đó, tại các địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện và cơ sở đã chủ trì giám sát được 899 cuộc về các nội dung như việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra tại UBND cấp xã; việc thực hiện các kết luận thanh tra và quyết định xử lý vi phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn xã, phường; việc thực hiện chính sách tín dụng cho vay với hộ nghèo; việc thực hiện thông báo kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân…

Ông Tuấn cho biết, sau giám sát, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã ban hành báo cáo và gửi kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết, đồng thời theo dõi, giám sát việc giải quyết. Qua thực tế cho thấy các ngành chức năng đã cơ bản thực hiện nghiêm túc việc giải quyết các kiến nghị.

Điểm đáng ghi nhận tại tỉnh Hải Dương đó là hoạt động giám sát thường xuyên được MTTQ các cấp coi trọng thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân tại 24 xã sau khi sắp xếp, sáp nhập. Thông qua hoạt động, các Ban Thanh tra nhân dân cấp xã đã phát hiện và kiến nghị với chính quyền 1.074 vụ việc, được chính quyền và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết 1.050 vụ việc (đạt 97,8%). Bên cạnh đó, các Ban Thanh tra nhân dân đã tổ chức giám sát 342 dự án đầu tư trên địa bàn cấp xã, trong đó xác định có 327 dự án đầu tư đúng quy định, đã kiến nghị phản ánh 1 vụ việc và được chủ đầu tư chấp hành thực hiện theo thông báo kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương cho rằng, trong thời gian tới, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm đến việc nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội để lựa chọn nội dung giám sát, phản biện phù hợp. Việc thực hiện giám sát phải đảm bảo quy trình, đưa ra các kiến nghị, đề xuất có sức thuyết phục cao. Đặc biệt cần giám sát kết quả tiếp thu, giải quyết của cơ quan chức năng đối với các nội dung mà Mặt trận kiến nghị, đề xuất.

Năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã tham gia ý kiến vào 9 dự thảo văn bản do UBND tỉnh, một số sở ngành tham mưu. Ủy ban MTTQ cấp huyện xã tham gia góp ý vào 493 dự thảo văn bản.

VŨ MẠNH