Hưng Yên: Phát huy vai trò MTTQ trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội

(Mặt trận) -Bám sát các Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, những năm qua, hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tỉnh Hưng Yên chủ động triển khai thực hiện, qua đó góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận xã hội; xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.

Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, không nể nang, né tránh

Để Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Cán bộ giám sát phải bản lĩnh, tâm huyết

 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên kiểm tra công tác giám sát hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Phù Cừ

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên cho biết, giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là những nhiệm vụ quan trọng của công tác Mặt trận hiện nay. Từ đầu năm đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức kiểm tra việc giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ở 10 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, tổ chức 2 cuộc giám sát tại 10 huyện, thị xã, thành phố; 6 đơn vị cấp xã; Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và 4 phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện về việc thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn tỉnh và việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham gia các đoàn giám sát, khảo sát của HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; việc thu hút sinh viên về làm việc tại xã, phường, thị trấn; việc thực hiện pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, BHYT…; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp… Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì tổ chức và phối hợp tổ chức giám sát thông qua các hình thức giám sát trực tiếp và giám sát qua báo cáo được 488 cuộc, nội dung giám sát tập trung vào: Việc thực hiện nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương; chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19... Các ban thanh tra nhân dân thực hiện giám sát 118 cuộc, phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết 21 vụ việc. 

Trong hoạt động phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức nhiều hội nghị tham gia góp ý vào dự thảo văn bản của cấp ủy Đảng các cấp, các nghị quyết, chương trình, đề án, dự án của HĐND, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội; nội dung liên quan đến quyền và trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia góp ý và nâng cao chất lượng phản biện xã hội. Năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức thành công tọa đàm “Thực trạng và giải pháp tăng cường vai trò của MTTQ trong tham gia xây dựng chính quyền”, qua đó có 20 ý kiến bằng văn bản và 9 ý kiến trực tiếp của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã đề xuất nhằm tăng cường vai trò của MTTQ tham gia xây dựng chính quyền.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện giám sát và phản biện xã hội, đồng chí Trần Thị Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kim Động cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp Ban Dân vận Huyện uỷ tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành quy định trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu ý kiến góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với nhân dân; chủ động báo cáo tình hình nhân dân, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hướng dẫn MTTQ các xã, thị trấn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm, trong đó lựa chọn những nội dung giám sát về các lĩnh vực mà nhân dân quan tâm, phù hợp với thực tiễn của cơ sở; nâng cao vai trò, trách nhiệm và chất lượng hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, tập trung giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; quản lý đất đai, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chính sách xã hội; bình xét, thực hiện chế độ, chính sách đối với hộ nghèo,…

Thời gian tới, hệ thống MTTQ các cấp tỉnh Hưng Yên tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong công tác giám sát, phản biện xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua; tăng cường vai trò giám sát và phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp thường xuyên đối thoại, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện dân chủ đại diện cùng phát huy dân chủ trực tiếp; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vấn đề mà nhân dân mong đợi; tăng cường phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên với chính quyền các cấp trong công tác vận động quần chúng; phát huy vai trò, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…

Đức Hùng