Hội thảo khoa học về việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam – Thực trạng và giải pháp

(Mặt trận) -Ngày 5/4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam – Thực trạng và giải pháp. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì hội thảo.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

 Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, để nâng cao nhận thức về trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời của cơ quan tổ chức, cá nhân đối với kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam, trước hết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội, nhất là trong hệ thống chính trị, MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong đoàn viên, hội viên và nhân dân về mục đích, tính chất, nguyên tắc, nội dung, hình thức giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, phải nắm vững các quy định của pháp luật về trách nhiệm của chủ thể được giám sát, phản biện phải xem xét, giải quyết, trả lời đối với kiến nghị sau giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam.

Ts. Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đưa ra một số giải pháp, kiến nghị tăng cường cơ chế, điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng tiếp thu, giải trình các kiến nghị sau phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Trong đó, một vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là phải thực hiện nhuần nhuyễn nguyên tắc phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam. Theo đó, hoạt động phản biện xã hội về cơ bản không phải của riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam hay của một số tổ chức thành viên nào mà là trí tuệ của hệ thống MTTQ Việt Nam, trong đó Ủy ban MTTQ Việt Nam giữ vai trò nòng cốt. Vì vậy, ngay từ khi lựa chọn nội dung để xây dựng kế hoạch giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã phải hiệp thương với các tổ chức thành viên liên quan, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội để phối hợp tổ chức phản biện. Ở chiều ngược lại, các tổ chức thành viên cũng cần quan tâm đến hoạt động phản biện do Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì để cử người có năng lực, trách nhiệm tham gia, phản ánh được yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.

Ở góc độ khác, để làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, MTTQ cần phát huy mọi lực lượng của mình, trong đó có việc thành lập các HĐTV, Ban tư vấn, tổ tư vấn và lực lượng cộng tác viên để hỗ trợ, giúp đỡ MTTQ Việt Nam. Cùng với các HĐTV, Ủy ban MTTQ Việt Nam cần tổ chức, tập hợp lực lượng cộng tác viên gồm các chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực. Đối với thành phố Hà Nội, thông qua hoạt động giám sát, phản biện, HĐTV Dân chủ - Pháp luật đã báo cáo với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội nhiều vấn đề để lãnh đạo MTTQ thành phố xem xét, lựa chọn và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và chính quyền thành phố. Từ đó, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các vấn đề liên quan đến thẩm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thời gian qua, công tác giám sát và phản biện xã hội đã phát huy được sức mạnh từ các tổ chức thành viên và nhân dân; phát huy có hiệu quả kinh nghiệm từ các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, nhiều kiến nghị sau giám sát đã chỉ ra những sai sót, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật của chính quyền, được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khắc phục, giải quyết kịp thời, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân. Nhiều văn bản phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã có những đóng góp cụ thể, sâu sắc đối với các dự án, dự thảo văn bản của các cơ quan chủ trì xây dựng, được các cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá cao và ghi nhận, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo, nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật, đồng thời đảm bảo tính khả thi, góp phần đồng thuận xã hội.

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đã đạt được, một trong những hạn chế trong công tác giám sát và phản biện xã hội hiện nay là tiếp thu, phản hồi, giải quyết kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Sau khi triển khai thực hiện giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận đã kịp thời có văn bản kiến nghị gửi tới cơ quan chức năng có thẩm quyền, cơ quan chủ trì soạn thảo. Đây là hội thảo mang tính khoa học, thấy rõ được giải pháp và chỉ ra được cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn sâu sắc. Các ý kiến trong hội thảo đã thể hiện tính nghiên cứu, lý luận và có ý kiến từ thực tiễn. Thông qua đó, nhiều ý kiến đã kiến nghị với MTTQ để tăng cường giám sát, phản biện xã hội và theo dõi kiến nghị sau giám sát. Từ đó rút ra những nội dung cốt lõi nhất để có đề xuất cụ thể vào các quy định của pháp luật.

N.Phượng