Hòa Bình: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tham gia xây dựng Đảng, chính quyền

(Mặt trận) -Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI, quy định việc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH) và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức CT-XH từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

 Cử tri huyện Mai Châu nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại huyện

MTTQ tỉnh Hòa Bình và các tổ chức CT-XH các cấp thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng các hoạt động về cơ sở để gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Phối hợp triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong tham gia phản biện, góp ý dự thảo các nghị quyết của cấp ủy, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án của chính quyền có liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân và hoạt động của MTTQ, các tổ chức CT-XH trên địa bàn tỉnh trước khi ban hành.

Từ năm 2014 đến nay, MTTQ, tổ chức CT-XH các cấp đã tham gia góp ý 2.221 cuộc đối với tổ chức Đảng (góp ý định kỳ 1.068 cuộc, góp ý thường xuyên 878 cuộc, góp ý đột xuất 275 cuộc). Việc góp ý được thực hiện thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy với đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tham gia ý kiến bằng văn bản; tham gia trực tiếp tại các kỳ họp HĐND các cấp, các cuộc tiếp xúc cử tri… Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai, duy trì hòm thư góp ý ở khu dân cư trong toàn tỉnh với tổng số 1.633 hòm thư góp ý (1.482 hòm thư góp ý ở khu dân cư và 151 hòm thư góp ý ở cấp xã).

Trong 10 năm qua, MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp đã thực hiện 3.054 cuộc góp ý đối với đảng viên (góp ý định kỳ 1.191 cuộc, góp ý thường xuyên 956 cuộc, góp ý đột xuất 148 cuộc). Việc góp ý được thực hiện thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề; qua phiếu tín nhiệm chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng, đại hội các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; chuẩn bị quy trình đề đạt, bổ nhiệm đối với cán bộ; việc kiểm điểm đánh giá hàng năm… Tổ chức 506 hội nghị tiếp xúc cử tri với 1.348 ý kiến, kiến nghị được gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Có 3.385 cuộc góp ý đối với cơ quan, tổ chức chính quyền của MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp (góp ý định kỳ 1.954 cuộc, góp ý thường xuyên 1.143 cuộc, góp ý đột xuất 288 cuộc). Tổ chức 218 hội nghị trực tuyến và gửi bằng văn bản xin ý kiến của đoàn viên, hội viên, Nhân dân với trên 51.000 lượt người tham gia vào các dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, các dự thảo luật, dự thảo các nghị quyết, chương trình, đề án, dự án của HĐND, UBND các cấp về phát triển KT-XH; các nội dung liên quan đến quyền và trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức CT-XH; quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; các văn bản về quản lý và phát triển nguồn nhân lực của địa phương… Từ năm 2014 đến nay, MTTQ, các tổ chức CT-XH các cấp đã tổ chức góp ý 6.208 cuộc đối với cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, góp ý định kỳ 3.067 cuộc, góp ý thường xuyên 2.980 cuộc, góp ý đột xuất 161 cuộc.  

Các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở luôn xác định việc tiếp thu ý kiến góp ý là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức, coi đây là một trong những giải pháp căn bản để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "Tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Trong 10 năm qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đã tiếp thu trên 162.000 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, kết luận... của Đảng. Các cấp chính quyền, các cơ quan hành chính tiếp thu trên 175.000 lượt ý kiến góp ý của MTTQ, các đoàn thể CT-XH các cấp và Nhân dân. Các ý kiến góp ý được tổng hợp bằng văn bản gửi đến các kỳ họp HĐND các cấp, các cơ quan hành chính theo quy định. UBND tỉnh tiếp nhận 177 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về quy định hành chính được gửi trên Hệ thống phản ánh kiến nghị Cổng Dịch vụ công quốc gia, chỉ đạo các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết, kịp thời trả lời công dân. Các sở, ban, ngành tỉnh nhận được 728 lần góp ý định kỳ, 1.448 lần góp ý thường xuyên, 285 lần góp ý đột xuất với trên 2.900 ý kiến được tiếp thu, giải quyết kịp thời, 48 ý kiến không tiếp thu nhưng được giải thích rõ ràng. UBND các huyện, thành phố tiếp nhận 1.224 lần góp ý định kỳ, 580 lần góp ý thường xuyên, 369 lần góp ý đột xuất với trên 4.403 ý kiến được tiếp thu, giải quyết kịp thời, 597 ý kiến không tiếp thu nhưng được giải thích lý do cho người tham gia ý kiến. Lãnh đạo UBND các cấp tiếp thường xuyên trên 12.748 đoàn công dân. Giai đoạn 2014 - 2022, người đứng đầu cấp ủy các cấp tổ chức trên 6.220 cuộc đối thoại với Nhân dân; người đứng đầu chính quyền các cấp tổ chức đối thoại trực tiếp với Nhân dân trên 8.253 cuộc. Qua các buổi đối thoại, những vấn đề cần giải quyết, trả lời  kiến nghị của Nhân dân đã được thực hiện theo quy định.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể CT-XH và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng được nâng lên. Các ý kiến tham gia góp ý ngày càng chất lượng, nội dung góp ý đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc. Qua đó giúp các cấp ủy, chính quyền phát hiện những sai sót, yếu kém trong quản lý, điều hành; kịp thời tiếp thu, sửa đổi những chính sách, quy định không phù hợp, những nội dung chưa sát, chưa đúng với thực tế xã hội, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, hạn chế tối đa việc thất thoát, lãng phí nguồn lực, tài sản công và việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

V.H