Hiệu quả hoạt động phản biện xã hội của MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang

(Mặt trận) -Thời gian qua, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Phản biện để tạo sự đồng thuận

Huyện Hàm Yên đang tập trung để hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch. Trong đó, tiêu chí môi trường được đánh giá là một trong những tiêu chí khó trong quá trình triển khai. Mới đây, Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn huyện Hàm Yên giai đoạn 2023 - 2025”.

Theo đó, các đại biểu tập trung phân tích các mục tiêu trong đề án như: Đến 2025, tỷ lệ rác thải sinh hoạt trên địa bàn được phân loại, thu gom, xử lý đúng quy định đạt trên 90%; đến hết năm 2024 có 100% các xã, thị trấn ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ môi trường để thu gom, vận chuyển và xử lý bằng các công nghệ đạt chuẩn, hạn chế tối đa lượng rác thải bị chôn lấp nhằm tiết kiệm quỹ đất, ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra... Nhiều đại biểu cũng nêu về thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay đang triển khai thực hiện ở cơ sở; đề cập những khó khăn, hạn chế, vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc triển khai Đề án...

MTTQ xã Khau Tinh (Na Hang) phản biện vào dự thảo kế hoạch xây dựng nông thôn mới của UBND xã. 

Theo lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Hàm Yên, những ý kiến phản biện xã hội vào đề án đã giúp cho UBND huyện có thêm những căn cứ để hoàn thiện đề án. Đặc biệt là việc xác định các mục tiêu để đảm bảo tính khả thi khi phù hợp thực tiễn của địa phương khi đề án được ban hành, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Tại các xã, phường thị trấn, MTTQ cũng tích cực tham gia phản biện nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Thị Phương Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cho biết: MTTQ thị trấn vừa tổ chức phản biện xã hội vào dự thảo kế hoạch lắp camera an ninh giai đoạn 2 của UBND thị trấn. Tại hội nghị, có nhiều ý kiến đóng góp vào kế hoạch để đảm bảo tính khả thi, đặc biệt là việc đánh giá những kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện mô hình camera an ninh ở thị trấn. Từ đó, tiếp tục xác định những vị trí, khu vực lắp đặt phù hợp, cũng như mức đóng góp của từng hộ dân. Nhờ đó, khi kế hoạch triển khai đã được Nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Với nỗ lực cao, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ địa phương trong tỉnh đã đi vào nền nếp, nhiều nơi tổ chức phản biện các dự thảo chương trình, dự án có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân tại địa phương. Từ việc chú trọng thực hiện phản biện xã hội, MTTQ các địa phương đã chủ động tham gia đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương từ sớm, từ xa vào các đề án, dự án, chương trình của địa phương trước khi ban hành. Qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Đầu tháng 6-2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Dự thảo do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, chăn nuôi ở tỉnh đang từng bước dịch chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại, sản xuất tập trung. Tuy nhiên, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư vẫn chiếm đa số.

Việc xử lý chất thải chăn nuôi đã được quan tâm thực hiện, nhưng chưa triệt để, dẫn đến ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các khu vực có mật độ dân số cao, khu nội thành của thành phố, thị trấn. Việc di dời các cơ sở sản xuất chăn nuôi nằm đan xen trong các khu dân cư, khu đô thị nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và cải thiện môi trường sống cho người dân. Việc di dời này sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, giúp cho hoạt động chăn nuôi ổn định và phát triển bền vững.

Tại hội nghị phản biện xã hội, có nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, các Hội đồng tư vấn vào dự thảo nghị quyết. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng Bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các ý kiến là những cơ sở quan trọng để cơ quan soạn thảo bổ sung hoàn thiện dự thảo nghị quyết.

Qua đó, để tỉnh có quy định các khu vực không được phép chăn nuôi, nhằm giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường trong khu vực đông dân cư, từng bước chỉnh trang đô thị, thực hiện hiệu quả các quy hoạch hiện có trên địa bàn. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn về vốn để các tổ chức cá nhân có cơ sở chăn nuôi đang hoạt động nằm trong diện phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi ổn định và duy trì sản xuất.

Đây chỉ là một trong số hằng trăm hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết do Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thực hiện. Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, việc duy trì và tổ chức hoạt động phản biện xã hội, giúp chính quyền các cấp tiếp thu, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách, dự án, đề án, chương trình hành động sát với đời sống xã hội. Đây cũng là hoạt động bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.

Ngọc Hưng