(Mặt trận) -Chính quyền cấp xã là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là nơi triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thời gian qua MTTQ cấp xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tích cực triển khai giám sát ở nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở.
|
MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương tích cực đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát phản biện tại cơ sở. |
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 235 Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp cơ sở. Để công tác giám sát có hiệu quả, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung, triển khai thực hiện Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội đến toàn bộ cán bộ Mặt trận cơ sở. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên. Theo đó, hàng năm, Ủy ban MTTQ cấp cơ sở đã bám sát vào nhiệm vụ của địa phương để xây dựng nội dung, chương trình giám sát gắn với việc phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Tại các địa phương, Ủy ban MTTQ xã đã thành lập Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, chủ động phối hợp tham gia thực hiện giám sát những nội dung được quy định trong pháp lệnh dân chủ như: Giám sát việc thu, chi sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới; giám sát việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng nhà văn hóa, công trình công cộng; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…
Ông Nguyễn Bá Cường - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Chính, huyện Nam Sách cho biết, để thực hiện tốt các hoạt động giám sát, MTTQ xã đã phối hợp với UBND xã tư vấn giám sát theo từng nội dung. Từ đó, giúp cho chính quyền xã nắm rõ được những nội dung cần giám sát. “Để thực hiện tốt nội dung trên, hàng ngày chúng tôi đã cắt cử người để tham gia giám sát từng công trình. Những nội dung nào không đảm bảo, chúng tôi yêu cầu bên thi công và chủ đầu tư phải khắc phục ngay mới ký nghiệm thu công trình”, ông Cường nói.
Với nhiều giải pháp được đưa ra, công tác giám sát chính quyền cơ sở của MTTQ cấp xã đã thu được những kết quả khả quan. Từ năm 2019 đến nay, các Ban Thanh tra nhân dân cấp xã đã phát hiện, kiến nghị, được chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết hàng nghìn vụ việc.
Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát trên 1.000 dự án. Trong đó, xác định 945 dự án đầu tư đúng quy định, 6 dự án có vi phạm; đã kiến nghị, phản ánh 6 vụ việc, được cơ quan liên quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và thông báo kết quả xử lý. Ban Thanh tra nhân dân còn tích cực tham gia công tác hòa giải, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của nhân dân để phản ánh tới cấp ủy, chính quyền.
Ông Bùi Xuân Hồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thái Dương, huyện Bình Giang cho biết, về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thì MTTQ sẽ tiếp nhận nội dung đơn thư. Bộ phận một cửa sẽ tiến hành phân loại; đồng thời báo cáo với lãnh đạo UBND xã. Từ đó, MTTQ giám sát UBND xã trong việc giải quyết đơn thư và trả lời công dân trong thời gian sớm nhất.
Toàn tỉnh Hải Dương có 12 huyện và một thành phố thì huyện Nam Sách được đánh giá là đơn vị tiêu biểu trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ cấp cơ sở. Để hoạt động giám sát và phản biện đạt hiệu quả, MTTQ huyện Nam Sách yêu cầu MTTQ xã bám sát sự chỉ đạo của MTTQ tỉnh, huyện và cấp ủy Đảng để xây dựng kế hoạch giám sát một cách chi tiết và cụ thể.
Đồng thời, thành lập đoàn giám sát cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương; giám sát các công trình xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, giám sát việc giải quyết những đề xuất, kiến nghị của nhân dân sau hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân các xã, thị trấn.
Ông Nguyễn Đình Dũng - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Sách cho biết, MTTQ huyện đã tập trung chỉ đạo MTTQ các xã và các tổ chức thành viên bám sát Điều lệ của MTTQ và Quy chế dân chủ ở cơ sở mới được ban hành; bám sát vào chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và các chương trình, mục tiêu trong xây dựng, phát triển kinh tế của địa phương để tập trung giám sát.
Tuy nhiên, để việc giám sát hiệu quả thì cấp ủy Đảng, chính quyền phải đồng hành cùng MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc giải quyết, xử lý những đề xuất, kiến nghị mà các cuộc giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên đã chỉ ra. Chỉ khi đồng hành như thế thì kết quả của các cuộc giám sát mới phát huy được tác dụng.
Theo ông Nguyễn Đình Xiển - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương, trong những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai mạnh mẽ hoạt động giám sát, phản biện hướng vào các lĩnh vực, vấn đề có tác động, ảnh hưởng rộng lớn đến các tầng lớp nhân dân. Hoạt động giám sát tập trung vào các lĩnh vực như: Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên; công tác cải cách hành chính đối với người đứng đầu chính quyền và các sở, ngành; giám sát công tác thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng; việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đối với Chủ tịch UBND cấp xã…
“Giám sát đối với chính quyền cấp xã là một yêu cầu quan trọng để Mặt trận thực hiện vai trò nòng cốt của mình. Qua đó, nhân dân thực hiện quyền làm chủ.
Vì vậy, Ủy ban MTTQ các cấp cần làm rõ hơn căn cứ chính trị, sự cần thiết và yêu cầu thực tiễn của MTTQ để giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở hiện nay. Bên cạnh đó, MTTQ cấp xã cần đẩy mạnh tuyên truyền vai trò giám sát của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay”, ông Xiển chia sẻ.
Với tính chất đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của người dân, thực hiện công khai, minh bạch, không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của chính quyền cơ sở. Vì vậy, trong thời gian tới, khi thực hiện giám sát MTTQ cấp xã cần thực hiện tốt việc theo dõi giám sát và tái giám sát, từ đó góp phần khắc phục kiến nghị sau giám sát.
PHƯƠNG NGUYÊN