Gỡ nút thắt thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng tăng cao

(Mặt trận) - Năm 2022, công tác thi hành án đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tăng cao là kết quả nổi bật so với các năm trước. Đánh giá nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của kết quả này, tại Phiên họp vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến khẳng định, "cú hích" chiến lược là Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư, cùng với đó là việc Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Thi hành án dân sự, giúp tháo gỡ nút thắt quan trọng trong công tác này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Toàn cảnh Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Minh Hùng 

Sửa đổi 1 - 2 điều luật nhưng hiệu quả ngay lập tức

Đánh giá về công tác thi hành án dân sự, hành chính trong năm 2022, Ủy ban Tư pháp cho rằng, Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác thi hành án và đạt kết quả đáng ghi nhận. Kết quả thi hành xong về việc đạt 68,20% (tăng 1,98%), về tiền đạt 31,18% (tăng 5,93%). Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng được quan tâm thực hiện, đã thi hành xong 1.493 việc, với 10.327 tỷ đồng, tăng 8.319 tỷ đồng so với năm trước. Chính phủ cũng đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm trong việc thi hành án hành chính. Bộ Tư pháp và Cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành 61 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Theo ghi nhận của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng từ chỗ luôn là một hạn chế trong nhiều năm trước thì năm 2022 đã đạt kết quả nổi bật. Số việc có điều kiện thi hành là 2.785 việc, với số tiền gần 50.366,7 tỷ đồng, nên số vụ việc thi hành án xong đạt tỷ lệ 53,61%, tương đương số tiền thu về đạt tỷ lệ 20,51%. 

Đánh giá cao những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý, cần đánh giá sâu hơn nguyên nhân tại sao có thể thu hồi được tài sản hiệu quả như vậy trong năm 2022 để có thể tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nguyên nhân thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng cao hơn là do có sự chỉ đạo hết sức quyết liệt từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc đẩy mạnh việc kê biên, tạm thời giữ tài sản trong các vụ án tham nhũng trước khi có bản án để tránh việc tẩu tán tài sản. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cũng đẩy mạnh trách nhiệm, tiến hành các giải pháp để thu hồi đầy đủ hơn tiền và tài sản do tham nhũng mà có. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật gợi mở, cần phân tích về việc tháo gỡ những vướng mắc trong các quy định pháp luật thời gian qua liên quan đến việc thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt do tham nhũng.

Chỉ rõ hơn nguyên nhân của kết quả tích cực trong thực hiện công tác thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân quan trọng là Quốc hội đã ban hành 1 luật sửa 9 luật, trong đó có Luật Thi hành án dân sự về quy định ủy quyền thi hành án. Dù chỉ sửa đổi 1 - 2 điều trong Luật Thi hành án dân sự, nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đã tháo gỡ nút thắt quan trọng trong công tác này, thay vì tỉnh nào thi hành án ở tỉnh đó như trước đây, gây mất nhiều thời gian, thì hiện nay có thể thực hiện đồng loạt các tỉnh, “giúp làm được nhanh, được nhiều”. Đây là bài học kinh nghiệm tốt về hoàn thiện pháp luật gắn với công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, có hiệu quả ngay lập tức.

“Cú hích” chiến lược là Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác thi hành án dân sự, hành chính, song tại Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ, số lượng bản án có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn ở mức cao, tỷ lệ thi hành án về tiền chỉ chiếm 31,18% trên tổng số án có điều kiện thi hành. Việc thu hồi khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, kết quả chưa cao. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn có việc xử lý tài sản đấu giá bảo đảm thi hành án chưa chính xác...

Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ cần tăng cường theo dõi, thanh tra, kiểm tra công tác thi hành án. Chú trọng biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về tín dụng, ngân hàng, các vụ án kinh tế, tham nhũng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, yêu cầu UBND, Chủ tịch UBND các cấp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sau 2 năm có phần nén lại do dịch Covid-19, năm 2022, công tác thi hành án đã có kết quả vượt bậc. Số lượng về tiền đạt được là khoảng 59.000 tỷ đồng, tăng trên 20.000 tỷ đồng so với năm 2021, trên 17.000 tỷ đồng so với năm 2020. Các vụ án về tham nhũng, kinh tế cho đến thời điểm báo cáo thu hồi đạt khoảng 10.500 tỷ đồng, tăng khoảng 8.500 tỷ đồng so với cùng kỳ báo cáo năm 2021. Kết quả này cũng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá rất cao.

Lý giải thêm về nguyên nhân đạt được kết quả tích cực như vậy trong thi hành án tham nhũng, kinh tế, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, “cú hích” chiến lược là Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cùng với đó là việc Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có một số điều về ủy thác thi hành án trong Luật Thi hành án dân sự. Trong tổ chức thực hiện, vai trò, trách nhiệm của hệ thống các cơ quan trong công tác tố tụng, từ cơ quan khởi tố, điều tra - kể cả đánh giá, đến định giá tài sản trong cho vay cũng đều được tăng cường hơn. 

Giải thích vì sao “thi hành án dân sự chuyển kỳ sau còn nhiều”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, đây là một thực tế, chủ yếu do không có tiền và tài sản, cũng như còn hạn chế trong công tác thống kê. Trước đây, những vụ việc không có điều kiện thì trả lại đơn ngay, nhưng quy định mới hiện nay là không trả mà cứ tích lại… “Việc này về phía cơ quan tham mưu, chúng tôi sẽ tiếp tục có các biện pháp", Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói. 

Có thể thấy, dù tổ chức bộ máy, biên chế không tăng, kinh phí và điều kiện bảo đảm còn hạn chế, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nỗ lực của các cơ quan và tháo gỡ vướng mắc từ quy định pháp luật, công tác thi hành án dân sự, hành chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2022. Để chuẩn bị cho việc báo cáo các kết quả này ra Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, cần làm rõ hơn nữa những điểm mới so với năm 2021 và các năm trước, để thấy được xu hướng của sự phát triển thời gian qua, dự báo đúng tình hình mới. Đặc biệt, phân tích kỹ lưỡng các nguyên nhân của kết quả đạt được, những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện để xác định giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.