Giám sát để mang lại lợi ích cho dân

(Mặt trận) -Những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phát huy dân chủ để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Từ đó góp phần giúp các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được thực thi đúng, đầy đủ, phù hợp với thực tiễn.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

 Cán bộ phường Quang Trung, TP Thái Nguyên nắm bắt tình hình, trao đổi công việc tại địa bàn.

Để thực hiện tốt các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đều xây dựng kế hoạch, chủ trì tổ chức nhiệm vụ giám sát theo chuyên đề, giám sát thường xuyên trên cơ sở nắm tình hình, theo dõi những vấn đề, lĩnh vực gây bức xúc trong dư luận; chủ động, kịp thời, lựa chọn đối tượng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức giám sát 12 chuyên đề. Riêng Ủy ban MTTQ tỉnh trực tiếp tổ chức giám sát 3 chuyên đề. Đặc biệt, mới đây, Ủy ban MTTQ tỉnh vừa tổ chức thành công hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi quốc tế, quốc gia thuộc lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo, Thể dục – Thể thao, Văn học – Nghệ thuật, Thông tin – Truyền thông (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết).

Theo đó, ngày 18/5/2014, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 44 về việc quy định khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong các kỳ thi, cuộc thi quốc tế, khu vực quốc tế và cấp quốc gia thuộc các lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo, Thể dục – Thể thao, Văn học – Nghệ thuật, Thông tin – Truyền thông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết số 44, có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và các văn bản mới được ban hành. Việc xây dựng quy định mới nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành có vai trò quan trọng để tiếp tục thúc đẩy các tập thể, cá nhân tiếp tục cố gắng, nỗ lực, sáng tạo, từ đó phát triển phong trào thi đua yêu nước ngày càng lớn mạnh. Cùng với đó việc quy định mức chi tiền thưởng cho các tập thể, cá nhân đoạt giải phải phù hợp với khả năng chi ngân sách của tỉnh. Trên cơ sở đó, cơ quan Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị phản biện để gửi tới ban soạn thảo nghị quyết để nghiên cứu, chỉnh sửa trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Cùng với công tác giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh, trong năm 2022, Ủy ban MTTQ cấp huyện đã chủ trì, giám sát 19 chuyên đề; MTTQ cấp xã chủ trì giám sát 224 chuyên đề; các ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp tổ chức 307 cuộc giám sát, kiến nghị cấp có thẩm quyền, giải quyết 46 vụ việc; các ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức 696 cuộc giám sát, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết gần 100 vụ việc.

Nội dung giám sát do Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã chủ trì, tập trung vào các chuyên đề như: Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chủ tịch UBND cấp xã; giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo… Ban Thanh tra nhân dân giám sát tập trung chủ yếu về thi công các công trình xây dựng cơ bản tại địa phương; giám sát thực hiện xây dựng nông thôn mới…

Ông Đàm Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên của Hội đồng tư vấn đóng góp trong lĩnh vực giám sát. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức tiếp tục tăng cường sự phối hợp trong hoạt động giám sát. Đối với giám sát đầu tư cộng đồng, Thái Nguyên chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác giám sát cho các thành viên Ban Công tác Mặt trận thôn, xóm, tổ dân phố; thành viên ban giám sát đầu tư cộng đồng để nâng cao năng lực giám sát.

TUỆ PHƯƠNG