Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Bảo đảm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong phát triển nhà ở

(Mặt trận) - Sáng 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Không nên quy định UBND tỉnh phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng lần 2

Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quản lý, phát triển nhà ở, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở trong thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở; khắc phục hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn của pháp luật hiện hành, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh; luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội.

Góp ý nhóm chính sách về sở hữu nhà ở, ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) nêu vấn đề, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về việc lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà ở cấp Trung ương trước khi phê duyệt chương trình phát triển nhà để nâng cao chất lượng xây dựng chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở địa phương. Cụ thể, Điều 31 dự thảo Luật quy định, UBND tỉnh phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng đối với ba nội dung kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh quy định tại các điểm c,d, đ, e của khoản 1, Điều 29 dự thảo Luật.

Băn khoăn về quy định này, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đặt câu hỏi, việc yêu cầu UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi thông qua chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở địa phương có cần thiết không và có thực sự thỏa mãn mong muốn, quan điểm của chúng ta về phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương hay không? Bởi lẽ, theo khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật, căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh bao gồm: Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm kỳ trước, hiện trạng và nhu cầu nhà ở tại thời điểm lập kế hoạch phát triển nhà ở.

Trong khi đó, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia do chính Bộ Xây dựng chủ trì và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Như vậy, việc phải xin ý kiến Bộ Xây dựng hai lần sẽ làm mất thời gian của địa phương nhiều hơn, dẫn đến việc các dự án, chương trình phát triển nhà ở địa phương có khả năng bị kéo dài thêm.

Đồng tình với ý kiến trên, các ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam), Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng)... cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi thông qua chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở địa phương. Các ý kiến này cho rằng, việc dự thảo Luật bổ sung quy định trên sẽ làm phát sinh các thủ tục hành chính cho địa phương.

Quy định cần sát hơn với thực tiễn

Về chính sách phát triển nhà ở, Điều 51, dự thảo Luật quy định nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, trong đó nêu “Việc bố trí nhà ở tái định cư đối với trường hợp di dời đến nơi ở mới phải được thực hiện trước khi thu hồi và giải tỏa nhà ở, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có nhà ở, đất ở bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của pháp luật; nhà ở được tái định cư phải bảo đảm có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, “nhà ở” và “nơi ở” là hai khái niệm khác nhau. Hơn nữa, khái niệm “điều kiện” cũng phải được hiểu là rất nhiều điều kiện, ví dụ như điều kiện về môi trường, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội, văn hóa, an ninh trật tự… Trong khi đó, Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao nêu quan điểm, chủ trương: “có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Theo đại biểu, Nghị quyết 18 chỉ đặt vấn đề bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, chứ không đưa ra tiêu chí cụ thể nào, như vị trí, hướng nhà, hình dáng, chiều cao, mức độ an ninh - trật tự… Để dễ thực hiện trên thực tế về nhà ở tái định cư, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật chỉ quy định so sánh với những yếu tố có thể đánh giá, so sánh được cụ thể về chất lượng, diện tích nhà ở… Đại biểu đề nghị sửa điều này theo hướng “nhà ở được tái định cư phải bảo đảm có chất lượng và diện tích bằng hoặc lớn hơn nhà ở cũ”.

Về các yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Điều 35 và Điều 41 của dự thảo luật, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) cho rằng, các quy định là cần thiết để bảo đảm dự án được đầu tư hoàn chỉnh, tránh tình trạng chủ đầu tư chỉ chạy theo lợi nhuận. Tuy nhiên, quy định này trong thực tế vẫn còn một số bất cập, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Cụ thể là dự án xây dựng nhà ở với mục đích phải có người vào với tỷ lệ nhất định, khi đó hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội mới có thể vận hành hoàn chỉnh.

Đối với dự án chưa có người vào ở, việc đầu tư hoàn chỉnh sẽ gây lãng phí, làm cho các dự án bị chậm tiến độ, tạo nút thắt trong giao dịch mua bán, cấp giấy chứng nhận quyền sở ủy quyền lợi của người mua nhà không đảm bảo; phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong thời gian qua.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh khoản 2, khoản 3, Điều 35 và khoản 3, Điều 41 dự thảo Luật sát hơn với thực tế, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ các quy định của luật hiện hành. Đặc biệt, hạ tầng xã hội chỉ yêu cầu đầu tư tại các khu vực có quy hoạch, các khu vực còn lại nên giao cho Nhà nước để có quỹ đất đầu tư phù hợp với quy hoạch tại từng địa phương và từng khu vực.