Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Bảo đảm các hợp tác xã tiếp cận được nguồn lực

(Mặt trận) - Cho ý kiến về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, so với Luật Hợp tác xã năm 2012, dự thảo Luật lần này đã có nhiều thay đổi căn cốt khi đưa ra những chính sách hỗ trợ các hợp tác xã có nguồn lực. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cần tiếp tục cụ thể hóa 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, đặc biệt là các quy định về tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường tín dụng, các chính sách ưu đãi về thuế, phí, bảo hiểm… nhằm bảo đảm các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp cận được nguồn lực.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long 

Làm rõ tiêu chí thụ hưởng chính sách của Nhà nước đối với hợp tác xã

Báo cáo một số vấn đề lớn liên quan đến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã rà soát và chỉnh lý các quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Trong đó khẳng định, một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là thống nhất triển khai theo Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ, không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; làm rõ tiêu chí thụ hưởng chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.

Đồng thời, điều chỉnh các nội dung về 8 chính sách từ 1 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 8 điều (từ Điều 20 đến Điều 27 dự thảo Luật) quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16.6.2022 tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW), phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết đối với từng nội dung chính sách nhằm bảo đảm tính khả thi, đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, so với luật cũ thì dự thảo Luật lần này có nhiều tiến bộ trong việc cụ thể hoá nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Mặc dù vậy, một số quy định vẫn đang dừng lại "như chủ trương của Nghị quyết" và "nếu để ở dưới làm được thì thực tế sẽ rất khó". Nêu vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo rà soát lại các dự thảo nghị định đối với các chính sách của Nhà nước, chắt lọc một số việc lớn có thể đưa vào trong dự án luật có tính chất cụ thể hơn nhằm luật hóa những nội dung này ngay trong dự thảo Luật, sau đó Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể hơn. Đơn cử, đối với chính sách tiếp cận vốn và bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những chính sách hết sức cần thiết đối với hợp tác xã và hiện còn đang rất vướng mắc. Do đó, quy định về nội dung này cần được thiết kế cụ thể hơn nữa.

Cụ thể hơn các chính sách về tiếp cận vốn, bảo hiểm 

Thực tế, hoạt động của các hợp tác xã thời gian qua cho thấy, các tổ chức kinh tế tập thể gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Theo số liệu báo cáo tài chính năm 2020 của các ngân hàng, có đến hơn 2/3 các ngân hàng có dư nợ cho vay hợp tác xã chiếm tỉ lệ dưới 0,1%, chỉ có 4 ngân hàng (Agribank, Sacombank, VietinBank và Eximbank) có tỉ lệ dư nợ cho vay hợp tác xã đạt trên 0,1%. Nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng sau khi Luật được ban hành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên chăng trong dự thảo Luật cần quy định theo hướng: các ngân hàng thương mại cho các chủ thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vay vốn tín dụng thương mại theo quy định pháp luật hiện hành trên cơ sở xem xét, đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả dự án sản xuất, kinh doanh, kể cả về năng lực tài chính và hiệu quả của dự án.

Có thể quy định một số điều kiện tương đối cụ thể trong dự thảo Luật, như những tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã có những tài sản hình thành sau đầu tư (nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt...) thì có thể được dùng làm tài sản thế chấp vay vốn; hay tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được sử dụng giá trị tài sản hình thành từ quỹ chung mang tên riêng để bảo đảm an toàn cho số vốn cần vay. Gợi mở điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế, “chính sách hiện hành nói là vay 500 triệu không phải thế chấp nhưng thực chất không vay được, ngân hàng bao giờ cũng lo rủi ro nên phải có tài sản đảm bảo”.

Điều 26 dự thảo Luật quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội cho thành viên là cá nhân và người lao động của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chuyển giao một số công trình kết cấu hạ tầng của Nhà nước phục vụ lợi ích chung của cộng đồng cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn để quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng theo quy định của pháp luật… Đánh giá Điều 26 là một "tiến bộ rất lớn" của dự thảo lần này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nhà nước hỗ trợ hợp tác xã đầu tư kết cấu hạ tầng, sau đó hợp tác xã được dùng tài sản kết cấu hạ tầng này làm tài sản thế chấp để vay vốn; đồng thời đề nghị, rà soát lại Điều 26, theo đó, "không phải tất cả tài sản ở Điều 26 đều có thể được dùng để thế chấp, nhưng một số tài sản hoàn toàn có thể thế chấp vay vốn".

Theo khoản 4, Điều 23 dự thảo Luật, Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong một số lĩnh vực nông nghiệp tại một số địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên nghiên cứu để lấy một số quy định trong khi Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp để đưa vào dự thảo Luật và nếu có bảo hiểm ngư nghiệp nữa thì càng tốt, vì lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp hiện nay là rất cần thiết. “Việc tham gia bảo hiểm rủi ro chúng ta đã có nghị định rồi thì luật hóa vào đây một số nội dung để có tính pháp lý cao hơn”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, tiếp tục hoàn thiện các quy định để thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, bảo đảm khả thi, hiệu quả, bảo đảm các chính sách đi vào cuộc sống, đặc biệt là quy định về tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường tín dụng, các chính sách ưu đãi về thuế, phí, bảo hiểm…