Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ “điểm nghẽn” trong thu hồi đất

(Mặt trận) - Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, người dân có thể chấp nhận hy sinh hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, vì lợi ích của cộng đồng, của Nhà nước. Nhưng, họ sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích riêng trong khi lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở cho trục lợi "lợi ích nhóm". Do đó, hướng nào để tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hồi đất, hài hòa quyền lợi Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cần được xem xét kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển 

Thu hồi đất làm dự án phải bồi thường theo giá thị trường 

Vấn đề thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và người dân. Chỉ ra thực tế này, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh, người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt về quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế, cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước, nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở cho sự trục lợi, lợi ích nhóm. Do vậy, theo đại biểu Tô Văn Tám, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nhận rõ lợi ích quốc gia thu được từ việc thu hồi đất mang tính lợi nhuận cho Nhà nước, còn lợi ích công cộng thì mang tính xã hội và không mang tính lợi nhuận.

Về các trường hợp thu hồi đất, Luật hiện hành và dự thảo Luật đều sử dụng phương pháp liệt kê để xác định các trường hợp thu hồi, phương pháp này giúp cho việc thu hồi cụ thể từng trường hợp, từng dự án. Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám cũng nêu rõ: Lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định và vận động theo hướng phát triển, trong khi đó, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội rất rộng và cũng theo hướng phát triển. Liệu những quy định theo phương pháp này có bao quát hết và dự liệu hết các trường hợp các dự án sẽ phát sinh trong quá trình phát triển hay không?

Mặt khác, cũng theo đại biểu, khi nói đến thu hồi đất, tức là việc chính quyền, Nhà nước thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, lạm quyền, gây bức xúc trong Nhân dân. Bởi vậy, cần xem xét, tiếp cận một vấn đề theo hướng là những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi. Còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong quá trình thương lượng đó có sự tham gia của chính quyền, với tư cách là chủ thể quản lý đất đai trên địa bàn.

Để tránh hệ lụy phát sinh từ việc mở rộng phạm vi thu hồi đất phục vụ những mục tiêu nêu trên, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đề xuất, cần quy định cụ thể như trước đây chúng ta đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2014, từ quan điểm "tự do kinh doanh những ngành nghề mà luật cho phép" thành "tự do kinh doanh những ngành nghề mà luật không cấm". Theo đó, cần quy định lại và làm rõ nếu Nhà nước trưng mua đất để xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, bệnh viện, trường học công lập thì phải có quy hoạch và đền bù theo giá Nhà nước quy định theo bảng giá đất được công bố hàng năm. Nếu thu hồi đất doanh nghiệp để làm dự án phải bồi thường theo giá thị trường và thỏa thuận với dân. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng lưu ý, mặc dù đối tượng thu hồi đất do Nhà nước quản lý nhưng thiệt hại mà người dân gánh chịu không chỉ bao hàm quyền sử dụng đất mà còn rất nhiều tài sản khác gắn liền hoặc liên quan đến đất bị thiệt hại, liên quan đến sinh kế.

Liên quan đến các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu rõ, so với Điều 62 của Luật Đất đai hiện hành, ngoài những trường hợp được giữ nguyên như Luật hiện hành thì dự thảo Luật Đất đai lần này Điều 86 đã bổ sung nhiều trường hợp, có thể chia thành 2 loại chính. Nhóm thứ nhất là những trường hợp bổ sung mới hoàn toàn. Đó là những dự án công trình công cộng, không nhằm mục đích kinh doanh hoặc là dự án cải tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch, hoặc nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp, hoặc dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở, dự án lấn biển. Nhóm thứ hai là những trường hợp có quy định nhưng mở rộng phạm vi hơn hoặc quy định điều kiện lỏng lẻo hơn và chung chung hơn, đó là những dự án khai thác khoáng sản. Trong khi đó Luật hiện hành chỉ quy định đối với những dự án khai thác khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, trừ những trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và dự án khai thác khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, khai thác tận thu... Do đó, "tôi đề nghị cần rà soát và đánh giá lại những trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 của Luật hiện hành xem còn phù hợp hay không", đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói. Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi dẫn đến tràn lan, lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai.

Doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận thì giới hạn ở mức độ nào?

Đối với các dự án chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại được áp dụng phương pháp tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu rõ yêu cầu: dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải sửa cho hợp lý nhất, vì đây là "điểm tắc nghẽn lớn" trong thực tiễn triển khai các dự án hiện nay, đặc biệt là các dự án vừa và nhỏ mang tính an sinh xã hội. Mặt khác, khi để cho dự án tự thỏa thuận có nghĩa là Nhà nước đã buông bỏ quyền cơ bản nhất quy định ở Điều 5 là Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng. Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, tốt nhất là đề nghị chính quyền địa phương phải triển khai đền bù, giải tỏa theo quy định của pháp luật để giao đất "sạch" cho chủ đầu tư thực hiện các dự án.

Phải nhận thức rõ vấn đề tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân là giới hạn ở mức độ nào và thỏa thuận về những vấn đề gì. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu vấn đề, hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau với vấn đề tự thỏa thuận, trong đó cách hiểu về quyền sử dụng loại đất ấy giữa người dân và doanh nghiệp hay là thỏa thuận về giá đất. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần đánh giá tác động kỹ hơn, cần thiết phải lấy ý kiến rộng rãi hơn và tổng kết từ thực tiễn. Hơn nữa, thực tế đang tồn tại tình trạng cùng một khu vực nhưng nếu Nhà nước thu hồi đất đền bù cho người dân để phục vụ các lợi ích quốc gia, công cộng, quốc phòng, an ninh thì đền bù theo giá nhà nước. Nhưng, cũng ở khu vực đấy, mọi điều kiện về sinh lời giống nhau nhưng doanh nghiệp thỏa thuận thì thường thường giá cao hơn giá của Nhà nước, làm phát sinh sự so bì và khiếu nại rất phức tạp.

Điều 54 Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) chỉ rõ, dự án Luật chưa cụ thể hóa được quy định của Hiến pháp là mục đích vì lợi ích quốc gia, công cộng ở đây là trực tiếp hay gián tiếp?

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Nhà nước chỉ nên thu hồi đất đối với những dự án trực tiếp phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng không áp dụng cho trường hợp gián tiếp. Đồng thời, bổ sung quy định làm rõ yếu tố "trực tiếp", quy định cụ thể tiêu chí về tính chất, quy mô, giá trị mang lại về nhiều mặt cũng như danh mục từng loại dự án để đáp ứng yêu cầu trực tiếp phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Quy định rành mạch như vậy, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, sẽ tạo cơ sở pháp lý để xác định có thu hồi đất đối với những trường hợp đang có nhiều ý kiến khác nhau tại dự án đô thị, nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở và dự án lấn biển.

Có thể thấy, việc thu hồi đất không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người sử dụng đất, bởi đất đai là tài nguyên hữu hạn, Nhà nước cần có chính sách sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Trong lần cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư, nhiều ĐBQH nhất trí cho rằng, quy định về thu hồi đất và trưng dụng đất phải được xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật quan trọng này.