(Mặt trận) - Chiều 22/10, tiếp tục Kỳ họp thứ Tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh |
Phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm pháp luật
Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 6 Chương và 92 Điều (giảm 1 Chương, tăng 18 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba). Đồng thời, đã bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về phát huy dân chủ ở cơ sở và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Theo đó, một trong những điểm mới của dự thảo luật là thiết chế Ban Thanh tra nhân dân trong dự thảo luật này được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, cho ý kiến.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ban Thanh tra nhân dân đã và đang phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc bảo đảm để người dân thực hiện dân chủ ở một số loại hình cơ sở. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở một số loại hình cơ sở (gồm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay) thì vô hình trung tạo ra sự phân biệt với người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập; khiến cho người lao động tại khu vực này thiếu cơ chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình ở cơ sở trong khi đây mới là khu vực cần được hỗ trợ tích cực để người lao động có thể thực hiện đầy đủ các quyền của mình.
Qua tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Luật cho thấy, việc thành lập, duy trì Ban Thanh tra nhân dân là hết sức cần thiết cho việc thực hiện dân chủ ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập bởi thiết chế này vừa phát huy dân chủ cơ sở, vừa có đóng góp vào công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Tương tự như vậy, đối với khu vực ngoài Nhà nước, với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Thanh tra nhân dân có thể phát hiện từ sớm về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, qua đó góp phần tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực tư nhân, bảo vệ quyền dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở các tổ chức có sử dụng lao động như trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý để tổ chức Công đoàn có thể hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, từ đó Công đoàn có thể phát huy rộng rãi vai trò của mình trong tất cả các loại hình tổ chức, doanh nghiệp kể cả ở những nơi chưa thành lập được tổ chức Công đoàn cơ sở.
Trên cở sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội theo hướng quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở (kể cả các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài Nhà nước) nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tạo cơ chế để nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát ở cơ sở.
Có nên thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả loại hình cơ sở?
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình tiếp thu chỉnh lý, vẫn có ý kiến cho rằng, chỉ nên quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn và ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay để bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến khác đề nghị chỉ thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn bởi ở loại hình cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, Ban Thanh tra nhân dân khó phát huy hiệu quả do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu sự chi phối, tác động trực tiếp của người đứng đầu, quản lý cả về mặt hành chính và về lợi ích vật chất nên khó bảo đảm tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ như đối với ở xã, phường, thị trấn.
Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) góp ý, về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở các tổ chức có sử dụng lao động ngoài nhà nước, đề nghị nên cân nhắc kỹ về sự cần thiết vì đây là nội dung mới, chưa được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Trong khi đó, hoạt động của các tổ chức có sử dụng lao động như doanh nghiệp, hợp tác xã không những phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật mà còn có các điều lệ riêng của từng tổ chức. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp là đối tượng thường xuyên chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, nội bộ các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải thành lập Ban Kiểm soát nội bộ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.
Phân tích về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, Ban Thanh tra nhân dân là cần thiết ở xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp nhà nước, nhưng việc tổ chức và hoạt động Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp ngoài nhà nước thì sẽ thiếu cơ chế, thiếu kinh phí, phải hoạt động ngoài giờ, dẫn tới bất cập, không thể hoạt động hiệu quả. Vì vậy, đại biểu đề nghị không quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Về Ban Thanh tra nhân dân, đai biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị bổ sung quy định giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bầu bổ sung, công nhận, hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Việc cụ thể hóa trách nhiệm sẽ nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong chủ động hướng dẫn triển khai, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nhất trí với việc mở rộng thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, nhằm đảm bảo sự bình đẳng và tạo cơ chế để nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, kể cả người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động ở khu vực ngoài công lập. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp còn khó khăn và hiệu quả thấp do không có đủ điều kiện và thời gian, cũng như nghiệp vụ công tác thanh tra còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, dự thảo Luật và các văn bản quy định cụ thể cần phải có cơ chế để đảm bảo thực hiện đảm bảo tính khả thi, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ để cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động có hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, ý kiến của các đại biểu cơ bản là bày tỏ sự đồng tình, thống nhất rất cao, những ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu ban soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để tổng hợp, báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, chỉnh lý dự thảo luật để trình Quốc hội quyết định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc xây dựng luật đảm bảo được mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và đảm bảo kỷ cương xã hội. Dân chủ ở cơ sở phải gắn với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương trong sạch, vững mạnh, doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững.
Với những nguyên tắc này, cách thiết kế của dự thảo luật đã đảm bảo được tính kế thừa, đổi mới và phát triển những cái quy định hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện hành và đảm bảo không chồng chéo, không mâu thuẫn và xung đột với các văn bản luật liên quan. Việc thiết kế luật rất thận trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo được cái sự liên thông nhưng đồng thời không có sự xung đột, không có sự chồng chéo với các luật hiện hành và đảm bảo được tính chính trị, tính pháp lý, tính khoa học, tính đại chúng, dễ tiếp cận, dễ tra cứu, dễ thực hiện.
Lê Sơn/VGP