Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Làm rõ các nội dung liên quan đến Ban Thanh tra Nhân dân

(Mặt trận) - Thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng ngày 7/9, các đại biểu cho rằng, cần quy định rõ các nội dung liên quan đến Ban Thanh tra Nhân dân như phạm vi, thẩm quyền, thủ tục công nhận để phù hợp và tránh nhầm lẫn với các thiết chế thanh tra của Nhà nước.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành hội nghị. Ảnh: Hồ Long 

Mở rộng việc thành lập Ban Thanh tra Nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ hai, sáng nay, 7.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Luật lần này có 6 chương và 92 điều; so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba đã giảm 1 chương, tăng 18 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục, tiểu mục trong các chương cho hợp lý; đã đáp ứng quan điểm, mục đích ban hành Luật và phù hợp với định hướng xây dựng Luật là nhằm tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, thực hành đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở.

Dự thảo Luật mở rộng việc thành lập Ban Thanh tra Nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở (không chỉ giới hạn ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay) nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tạo cơ chế để Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát (kể cả người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập). Với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Thanh tra Nhân dân có thể phát hiện từ sớm những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền, góp phần bảo vệ quyền dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định việc thành lập Ban Thanh tra Nhân dân tại xã, phường, thị trấn; không tiếp tục thành lập Ban Thanh tra Nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay bởi tại những loại hình này, hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân khó phát huy hiệu quả thực chất, không bảo đảm tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ như tại xã, phường, thị trấn.

Dự thảo Luật quy định cụ thể tổ chức và hoạt động, nhiệm kỳ, tiêu chuẩn thành viên Ban Thanh tra Nhân dân và việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân phù hợp với từng loại hình cơ sở. Theo đó, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã bảo đảm; còn tại cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động thì Ban Chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân để bảo đảm tính độc lập trong hoạt động và gắn với trách nhiệm hướng dẫn hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và tổ chức Công đoàn cơ sở.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nên tiếp tục quy định Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cấp kinh phí hoạt động hằng năm cho Ban Thanh tra Nhân dân như quy định hiện hành; đồng thời, như phương án dự thảo Luật đề xuất thì cần làm rõ cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân ở các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở.

Cần quy định rõ thủ tục, thẩm quyền công nhận Ban Thanh tra Nhân dân

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồ Long 

Đánh giá cao các cơ quan đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ Ba, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu rõ, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương lớn của Đảng là thực hiện dân chủ cơ sở với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Trong đó, kiểm tra, giám sát là nội dung rất lớn. Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo Luật chưa giải thích rõ thế nào là kiểm tra Nhân dân, thế nào là giám sát Nhân dân. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung giải thích từ ngữ các khái niệm “kiểm tra Nhân dân” và “giám sát Nhân dân” để xác định nội dung, phạm vi, đối tượng, thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát Nhân dân.

Liên quan đến Ban thanh tra Nhân dân, ĐB Hoàng Đức Thắng cho biết, đây là nội dung được chuyển từ Luật Thanh tra sang. Theo đại biểu, bản chất của thiết chế thanh tra Nhân dân là thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của người dân. Do đó đại biểu đề nghị đổi tên từ Ban thanh tra Nhân dân thành Ban kiểm tra giám sát Nhân dân để phù hợp và tránh nhầm lẫn với các thiết chế thanh tra của nhà nước, kiểm tra Đảng và phản biện của Mặt trận Tổ quốc.

Cũng cho ý kiến về nội dung này, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị cần quy định rõ thủ tục, thẩm quyền công nhận Ban Thanh tra Nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước về cơ cấu, tổ chức. Bởi, thực tế hiện nay, Ban Thanh tra Nhân dân còn hoạt động mang tính hình thức, không đủ quyền hạn và năng lực để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, nhất là kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc chủ doanh nghiệp.

ĐB Dương Khắc Mai cũng đề nghị nghiên cứu quy định thành một điều luật rõ ràng, cụ thể đối với các khách thể, đối tượng người dân có quyền biết, bàn, kiểm tra và giám sát, tránh trường hợp một số đối tượng lạm dụng quyền biết, bàn, kiểm tra, giám sát để chống phá, kích động, lôi kéo khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, cần quy định rõ các nội dung công dân, cán bộ, công chức được quyền biết, bàn thì được quyền kiểm tra và giám sát. Bên cạnh đó, cũng nên cân nhắc việc đặt các chế tài để tăng tính dân chủ thực sự, bảo đảm nếu người dân bàn, kiểm tra, giám sát đúng thì đối tượng chịu kiểm tra, giám sát phải thực hiện và thay đổi.