Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch làm việc với các bộ: Xác định rõ hơn trách nhiệm để xử lý dứt điểm

(Mặt trận) - Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch chiều 2.3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cam kết sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch ngành cấp quốc gia thuộc lĩnh vực xây dựng vào tháng 12.2022. Đánh giá cao việc Bộ Xây dựng đã chỉ ra trách nhiệm liên quan đến những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch vừa qua, song các thành viên Đoàn giám sát cũng yêu cầu, phải xác định rõ hơn, cụ thể hơn, cá thể hóa trách nhiệm để xử lý dứt điểm. Đây cũng là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh với Đoàn giám sát.

Thực trạng và giải pháp hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp thu, giải trình, giải quyết và phản hồi kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng Đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Chậm vì... vướng đấu thầu tư vấn

Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ lập 2 quy hoạch ngành cấp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc lập 2 quy hoạch này chậm hơn so với kế hoạch, mới phê duyệt được kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị lựa chọn tư vấn lập quy hoạch theo quy định về đấu thầu.

Báo cáo với Đoàn giám sát về nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bị vướng về công tác tổ chức đấu thầu tư vấn. “Sau 2 lần tổ chức đấu thầu, hiện không có nhà thầu tham dự nhận Hồ sơ mời thầu và nộp Hồ sơ dự thầu". Bộ trưởng cũng nêu thực tế, hiện có rất ít đơn vị tư vấn đủ chuyên môn sâu nhằm bảo đảm chất lượng tư vấn lập các quy hoạch. Trong khi đó, theo quy định pháp luật về đấu thầu, các viện nghiên cứu (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ) có năng lực và kinh nghiệm tư vấn lập quy hoạch thì lại không được tham gia thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn. Bên cạnh đó, pháp luật về quy hoạch và đấu thầu chưa quy định rõ và nhất quán về thẩm quyền quyết định đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nên Bộ Xây dựng cũng bị lúng túng trong tổ chức thực hiện. 

Với tiến độ hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cam kết, Bộ Xây dựng sẽ trình Hội đồng thẩm định quy hoạch 2 quy hoạch ngành quốc gia vào tháng 11.2022 và trình Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12.2022.

“Như vậy là cũng trong tình trạng chung với các bộ khác, bị chậm so với yêu cầu đề ra”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, dự kiến toàn bộ các quy hoạch ngành cấp quốc gia còn lại sẽ được trình Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt vào cuối năm nay. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ trong việc trao đổi, rà soát, tích hợp giữa các quy hoạch để bảo đảm tính đồng bộ nhưng mặt khác cũng đặt ra sức ép rất lớn về tiến độ và thời gian. Do đó, Bộ Xây dựng phải khẩn trương triển khai các nhiệm vụ tiếp theo để bảo đảm tiến độ và chất lượng 2 quy hoạch này. 

Quá trình triển khai vừa qua Bộ Xây dựng bị vướng mắc về thủ tục liên quan đến công tác tư vấn. Tuy nhiên, từ thực tế một số Bộ như Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn thực hiện được, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu tìm các biện pháp tháo gỡ kịp thời thì có lẽ tiến độ sẽ nhanh hơn. “Đây là vấn đề phải rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn tư vấn”.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo thêm để hoàn thành 2 quy hoạch ngành quốc gia do Bộ phụ trách thì cần tháo gỡ khó khăn gì, có đề xuất, kiến nghị cụ thể nào với Chính phủ, Quốc hội hay không?

Vẫn khó bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng yêu cầu Bộ Xây dựng phải đánh giá sâu sắc, cụ thể hơn hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị từ sau khi Luật Quy hoạch được ban hành. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, Luật Quy hoạch được ban hành có tác động lớn tới các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, làm thay đổi hệ thống quy hoạch xây dựng. Theo đó, quy hoạch xây dựng (thuộc lĩnh vực xây dựng) chỉ còn được lập, phê duyệt trên địa bàn tỉnh gồm: Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.

Ngay sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, từ năm 2017 đến nay, Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua; trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, bảo đảm công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tiếp tục được triển khai thống nhất, đồng bộ, làm cơ sở quản lý phát triển đô thị, thu hút đầu tư, lập dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ: chính sách, pháp luật về quy hoạch có nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch, quản lý nhà nước theo hướng tích hợp, phối hợp đa ngành và áp dụng công nghệ tiên tiến. Việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp chưa từng có tiền lệ trong thực tiễn, trong khi đó, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn còn chưa kịp thời, cần nhiều thời gian nghiên cứu, việc đồng bộ hóa các quy định tại hệ thống pháp luật chuyên ngành để bảo đảm áp dụng trong thực tế còn hạn chế. Sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, các quy định pháp luật chuyên ngành đã được rà soát, điều chỉnh nhưng việc điều chỉnh này mang tính chất sửa đổi, bổ sung cục bộ, dẫn đến tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng còn hạn chế.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Quy hoạch, năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 751 về giải thích Luật Quy hoạch. Khẳng định Nghị quyết này đã giúp đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, song Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, việc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch sẽ vẫn khó khăn do các quy hoạch cấp dưới không được lập hoặc điều chỉnh trên nền tảng dự báo và định hướng tổng thể chung; trong khi số liệu thống kê, điều kiện hiện trạng, bối cảnh phát triển từng lĩnh vực cũng có sự khác nhau tại từng thời điểm lập quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục báo cáo bổ sung, làm rõ hơn những kết quả đạt được, ưu điểm và những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan. Cần chỉ rõ nguyên nhân nào do quy định của Luật Quy hoạch chưa phù hợp hoặc do các văn bản dưới luật; nguyên nhân nào do tổ chức thực hiện; tác động của những tồn tại, bất cập vừa qua trong công tác lập quy hoạch như thế nào. Đồng thời cần báo cáo sâu hơn về việc điều chỉnh các quy hoạch, thẩm quyền, cách thức, phương thức điều chỉnh như thế nào để bảo đảm thống nhất, không phá vỡ hệ thống quy hoạch chung nhưng đồng thời phải bảo đảm quy hoạch sát với thực tiễn.

Là một trong những bộ đã có đánh giá cụ thể hơn về trách nhiệm dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Luật Quy hoạch, nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đề nghị, Bộ Xây dựng phải xác định rõ hơn, cụ thể hơn nữa cơ quan nào chịu trách nhiệm, phải cá thể hóa trách nhiệm mới có thể xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế. Đây cũng là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh với Đoàn giám sát.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng yêu cầu Bộ Xây dựng đánh giá kỹ hơn về chất lượng của các văn bản triển khai thi hành Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền của Bộ, chất lượng công tác tham mưu giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ. Trong đó, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, có những vấn đề Bộ Xây dựng đã chủ động phát hiện và kịp thời có văn bản trao đổi với các bộ, ngành liên quan hoặc trình xin ý kiến cấp có thẩm quyền nhưng qua báo cáo cho thấy phản hồi của một số cơ quan rất chậm, thậm chí có những văn bản xin ý kiến sau 5 - 6 tháng cũng chưa thấy phản hồi. “Điều này có làm chậm tiến độ triển khai lập quy hoạch hay không cũng phải đánh giá sâu sắc hơn”, Phó Chủ nhiệm Trần Hồng Nguyên nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn những mâu thuẫn giữa pháp luật về quy hoạch sử dụng đất với pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Nếu có mâu thuẫn thì cụ thể là điều khoản nào, văn bản pháp luật nào và kiến nghị giải pháp, lộ trình sửa đổi để có phân công trách nhiệm rõ ràng. Cùng với đó phải lưu ý vấn đề cơ sở dữ liệu để lập quy hoạch, sử dụng, khai thác thông tin, đặc biệt là vấn đề công khai quy hoạch.