Điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi): Công khai, minh bạch trong thu hồi đất

(Mặt trận) - Một trong những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là Luật đã quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất nhằm bảo đảm công khai, tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện không đáng có.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nguồn: ITN 

Hơn 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội

Thu hồi đất là một trong những nội dung được cử tri và Nhân dân rất quan tâm. Thực tế cho thấy, đây cũng là một trong những vấn đề nếu thực hiện không tốt dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, gây bất ổn xã hội.

Ngoài thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này quy định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Theo đó, Luật quy định cụ thể có 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất gồm: xây dựng công trình giao thông; xây dựng công trình thủy lợi; xây dựng công trình xử lý chất thải; xây dựng công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; xây dựng công trình dầu khí; xây dựng công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; xây dựng chợ dân sinh, chợ đầu mối; xây dựng công trình tín ngưỡng; xây dựng khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng; xây dựng trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; xây dựng cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động như: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở phục hồi chức năng; cơ sở y tế dự phòng; cơ sở dân số; cơ sở kiểm nghiệm; cơ sở kiểm chuẩn, kiểm định; cơ sở giám định y khoa; cơ sở giám định pháp y; cơ sở sản xuất thuốc; cơ sở sản xuất thiết bị y tế; trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang Nhân dân, trừ trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất; dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ; dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trừ trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở; dự án tái định cư. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thu hồi đất nhằm thực hiện dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ cao; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu phi thuế quan trong khu kinh tế. Luật cũng quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật…

Ngoài 31 trường hợp cụ thể nhà nước được phép thu hồi đất như trên, để tạo điều kiện cho việc thu hồi đất với những trường hợp có thể sau này phát sinh trong thực tế, Khoản 32, Điều 79 Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định một khoản “mở”. Theo đó, Luật quy định: trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ Khoản 1 đến Khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất của Điều này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Khắc phục tình trạng lạm dụng thu hồi đất

Việc quy định cụ thể 31 các trường hợp thu hồi đất như Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Chỉ khi quy định cụ thể, minh bạch các trường hợp này mới tạo điều kiện để cho người dân và các chủ thể có thẩm quyền giám sát. Cùng với đó sẽ khắc phục được tình trạng lạm dụng thu hồi đất như đã từng xảy ra trước đây.

Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống vốn phong phú, do đó việc phát sinh các tình huống mới là điều có thể xảy ra. Do đó, việc Luật quy định một khoản “mở” để Quốc hội sửa đổi, bổ sung trường hợp thu hồi đất theo trình tự, thủ tục rút gọn là điều rất cần thiết. Điều này tạo sự chủ động, linh hoạt để bổ sung các quy định nhằm điều chỉnh kịp thời các tình huống pháp lý mới phát sinh.

Đánh giá về các trường hợp thu hồi đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, 31 trường hợp thu hồi đất như trong Luật là rất cần thiết và đều trên cơ sở quy định của Hiến pháp. Cùng với đó, ông Hiếu cũng cho rằng, Luật quy định về trường hợp thu hồi đất tại khoản 32, điều 79 là cần thiết để bảo đảm dự liệu tình huống khác phát sinh trong thực tế.  

Quy định cụ thể những trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng là một trong những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi). Điều quan trọng là Chính phủ sớm có biện pháp triển khai thi hành quy định này trên thực tế, cùng với đó là cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hiệu quả để bảo đảm việc thu hồi đất đúng mục đích, phát huy được hiệu quả sử dụng đất vì lợi ích quốc gia công cộng.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống.

Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực; giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản nói chung.