(Mặt trận) - Sáng 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày Tờ trình của Chính phủ |
Chính phủ đề xuất điều chỉnh 2 nội dung
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cần thiết phải đề xuất điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư Chương trình liên quan đến điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14; đối tượng tham gia thực hiện Chương trình tại các dự án Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6, Dự án 7. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình là cần thiết và cấp bách để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra.
Về nội dung đề xuất điều chỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, theo điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định: “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025”. Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện Chương trình gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp dẫn đến lúng túng trong quá trình lập kế hoạch, phân bổ, lồng ghép nguồn vốn thực hiện Chương trình, do vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình chưa được quy định tại Nghị quyết số 120/2020/QH14.
Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét xác định rõ nguồn vốn thực hiện Chương trình là “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình quy định đối tượng Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 88/2019/QH14 gồm: “Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn”.
Trong thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình, một số đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc, các trường phổ thông dân tộc nội trú, một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, Trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện có vai trò quan trọng và trực tiếp tác động đến các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình như: phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số...
Thực tế hiện nay điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị... của các đơn vị trên còn rất thiếu thốn, cần có sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị, tổ chức này chưa được quy định rõ tại chủ trương đầu tư Chương trình (do có trụ sở đóng ngoài địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), dẫn đến một số khó khăn trong việc lập, thẩm định kế hoạch bố trí vốn, thanh quyết toán trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh làm rõ hơn đối tượng cụ thể thuộc diện đầu tư của Chương trình có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm: “Một số đơn vị sự nghiệp công lập là trường dự bị Đại học, Đại học, trường chuyên biệt; các trường phổ thông dân tộc nội trú; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; một số Trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, đây là những vấn đề cần thiết và cấp bách để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra.
Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản theo thẩm quyền
Thẩm tra nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, về điều chỉnh nguồn vốn thực hiện Chương trình, Hội đồng Dân tộc thống nhất với nhiều ý kiến tham gia thẩm tra, thực tế qua giám sát, không có vướng mắc trong quá trình thực hiện và các Nghị quyết của Quốc hội đã giao, ghi rõ vốn đầu tư và vốn sự nghiệp cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đủ cơ sở pháp lý. Nội dung đề nghị này sẽ được điều chỉnh cụ thể cho giai đoạn sau (2026 - 2030) trên cơ sở xem xét báo cáo tổng kết Chương trình giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ vào cuối năm 2025.
Về đề xuất điều chỉnh phạm vi đầu tư, Hội đồng Dân tộc cho rằng, các nội dung đề xuất đầu tư trên không thuộc phạm vi được quy định trong Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phần lớn xuất phát từ việc xác định địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại các Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12.11.2020 và Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 về phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển của Chính phủ.
Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành Chương trình trong bối cảnh thời gian thực hiện còn rất ít, Hội đồng Dân tộc thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình như đề xuất của Chính phủ, để bảo đảm cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho việc thực hiện. Mặt khác, việc đầu tư cho các nội dung trên là cần thiết, có vai trò quan trọng, tác động đến các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình về phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống và đối tượng thụ hưởng trực tiếp là đồng bào sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, về nội dung giáo dục, qua giám sát cho thấy nhu cầu đầu tư đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú còn rất lớn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Về nội dung văn hóa, Tờ trình của Chính phủ không có danh mục cụ thể, nhưng quan điểm của Hội đồng Dân tộc cho rằng, không chỉ đầu tư các công trình, di tích quốc gia tiêu biểu mà còn cả việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể (nhà cửa, lễ hội, ẩm thực...) gắn với phát triển du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết số 120/2020/QH14; đối với các địa phương đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, không nằm trong diện đặc biệt khó khăn, nhưng các công trình văn hóa, tâm linh gắn với đời sống của đồng bào, Chính phủ vẫn cần bố trí nguồn lực để tiếp tục đầu tư.
Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng để quyết định các danh mục đầu tư trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; các công trình, dự án văn hóa gắn với phát triển du lịch, bao gồm cả trong và ngoài địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành, ưu tiên vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Việc điều chỉnh này không vượt quá tổng mức vốn của Chương trình đã được Quốc hội phân bổ.
Cũng có ý kiến cho rằng, Chính phủ cân nhắc về sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư trong bối cảnh thời gian thực hiện Chương trình chỉ còn hơn 1 năm. Trong khi đó theo thẩm quyền, Chính phủ có thể xem xét điều chỉnh vốn đã bố trí cho các đối tượng này sang thực hiện cho các đối tượng khác ở vùng khó khăn hơn, nhất là địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, vùng cao, biên giới; các xã mới hoàn thành Chương trình nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số; các trường phổ thông bán trú… và điều chỉnh, bổ sung các quyết định liên quan đến phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho phù hợp sẽ giải quyết cơ bản các vướng mắc này.
Với tinh thần Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Hội đồng Dân tộc trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định, bổ sung vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV nội dung:
“Quốc hội thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Giao Chính phủ chỉ đạo rà soát và quyết định ban hành danh mục đầu tư cụ thể về: các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc; các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; các trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện; các di tích, dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, nằm trong và ngoài danh mục địa bàn xã, thôn (bản) vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành, ưu tiên địa bàn vùng khó khăn. Việc điều chỉnh bảo đảm các nguyên tắc, hiệu quả đầu tư và mục tiêu chương trình theo Nghị quyết 120/2020/QH14 và không vượt quá tổng mức vốn của Chương trình đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021-2025”.
Hội đồng Dân tộc kiến nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi các văn bản theo thẩm quyền. Trong đó ưu tiên việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Quyết định về phê duyệt Chương trình bảo đảm mục tiêu, nguyên tắc đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết 120/2020/QH14.
Hội đồng Dân tộc cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai đầy đủ kiến nghị được nêu trong Báo cáo số 550/BC-ĐGS ngày 21.10.2023 của Đoàn Giám sát và Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29.11.2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề đối với các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thanh Chi