Đẩy mạnh xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

(Mặt trận) - Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đẩy mạnh và đạt kết quả đáng ghi nhận. Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở không chỉ từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hành dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

 Thực hiện QCDC ở cơ sở, xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) luôn tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết tốt chế độ chính sách cho người dân để hạn chế đơn thư, khiếu nại.

Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Kết luận; tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong xây dựng và thực hiện QCDC. Đồng thời, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền, UBND các cấp; quan tâm xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác, lịch tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo. Song song với đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở đã tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về QCDC ở cơ sở; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở cũng được tăng cường. Nhờ vậy, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Ông Lò Văn Mừng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã được thực hiện nghiêm túc, phát huy quyền làm chủ và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn việc thực hiện dân chủ được gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; các chương trình dự án liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng... đều được niêm yết công khai, tổ chức lấy ý kiến nhân dân để tạo sự đồng thuận. Công tác cải cách hành chính được quan tâm thực hiện hiệu quả, các thủ tục hành chính, khoản phí, lệ phí được công khai ngay tại bộ phận một cửa và bố trí ở nơi người dân dễ quan sát, thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn. Đến nay, 19/19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 10/10 đơn vị cấp huyện, 129/129 đơn vị cấp xã đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông với tỷ lệ hồ sơ được trả đúng hạn đạt khoảng 95%. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước của thôn, bản được thực hiện kịp thời, đến nay có 1.140/1.444 thôn, bản xây dựng và thực hiện được quy ước (đạt 78,9%). Công tác đối thoại trực tiếp của chính quyền với nhân dân đã mang lại hiệu quả, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân ngay tại cơ sở; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo được thực hiện và giải quyết đúng quy định.

Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp đã đi vào nền nếp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Các đơn vị đã chú trọng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế; chủ động cải tiến lề lối làm việc theo hướng gần dân, sâu sát cơ sở, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí. Tại các doanh nghiệp, thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, ban hành thỏa ước lao động tập thể, điều lệ doanh nghiệp, nội quy quy chế hoạt động… Năm 2021, 37/50 doanh nghiệp, hợp tác xã có tổ chức Công đoàn ký thỏa ước lao động tập thể và tổ chức hội nghị đối thoại, hội nghị người lao động (đạt 74%). Thông qua đó, đảm bảo chế độ chính sách, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc và đề xuất chính đáng của người lao động.

Đẩy mạnh xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở, huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, nhất là trong lĩnh vực đất đai, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện các chế độ chính sách... Trước khi thực hiện các chương trình dự án liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân đều được lấy ý kiến để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân. Điển hình như việc đóng góp tiền, ngày công, hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nông thôn mới… Qua đó, đã phát huy quyền làm chủ, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Đức Thái