Dân giám sát, dân thụ hưởng

(Mặt trận) -Toàn tỉnh Phú Yên hiện có 110 ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) với hơn 775 thành viên. Hoạt động của các ban GSĐTCCĐ đã phát huy quyền làm chủ của người dân theo phương châm dân giám sát, dân thụ hưởng, tăng cường vai trò của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Giám sát từ cơ sở

Hơn 10 năm với cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Kiến, Trưởng ban GSĐTCCĐ xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), ông Nguyễn Minh Su không nhớ hết các vụ việc mà mình đã tham gia giám sát. Bởi theo ông Su, ban GSĐTCCĐ được ủy ban MTTQ cấp xã quyết định thành lập theo từng chương trình, dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, chương trình, dự án đầu tư bằng vốn và công sức của cộng đồng dân cư hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã. Ban GSĐTCCĐ có ít nhất là 5 thành viên, gồm đại diện ủy ban MTTQ, ban thanh tra Nhân dân ở xã và đại diện người dân trên địa bàn thôn nơi có chương trình, dự án. Ban GSĐTCCĐ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

 Người dân thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) tham gia làm đường bê tông do UBND xã triển khai.

Với vai trò là Trưởng ban GSĐTCCĐ, ông Su và các thành viên trong ban rất có trách nhiệm trong công tác này. Mỗi khi địa phương triển khai các công trình mới, ông và các thành viên thường xuyên ứng trực, làm tai mắt của dân nên kịp thời phát hiện những sai phạm, đề xuất hướng khắc phục ngay. Chẳng hạn, năm 2020, ban GSĐTCCĐ của xã phát hiện đơn vị thi công công trình kè Suối Cái (thôn Sơn Thọ) thực hiện không đúng quy cách về rọ đá nên đã yêu cầu đơn vị này khắc phục theo đúng với thiết kế. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực Nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống”, ông Su nói.

Năm 2022, các ban GSĐTCCĐ trên địa bàn huyện Phú Hòa cũng đã giám sát 52 cuộc. Trong đó có nhiều cuộc giám sát việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường trong quá trình thi công, thiết kế, sử dụng vật liệu, tiến độ thi công… nhằm đảm bảo chất lượng các công trình sau khi đưa vào sử dụng, phục vụ lâu dài cho sinh hoạt của người dân. “Các thành viên ban GSĐTCCĐ trên địa bàn huyện đã từng bước phát huy được vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở quy chế giám sát đầu tư cộng đồng và các quy định pháp luật, các ban GSĐTCCĐ đã phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, giám sát các công trình có trách nhiệm”, bà Huỳnh Thị Son, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Hòa cho biết.

Tương tự, tại TX Sông Cầu, năm 2022, hoạt động của các ban GSĐTCCĐ tại 13 xã, phường được củng cố, kiện toàn và phát huy hiệu quả. Ông Lê Minh Thơ, Trưởng ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TX Sông Cầu cho hay: Các ban GSĐTCCĐ đã giám sát 54 dự án, công trình. Mỗi một tuyến đường hay công trình được giám sát, các ban GSĐTCCĐ đều có kế hoạch cụ thể, biên bản làm việc theo từng công đoạn đối với đơn vị thi công; nếu phát hiện những điểm chưa đạt yêu cầu sẽ có kiến nghị với chủ đầu tư để có hướng khắc phục kịp thời, không gây ảnh hưởng tới việc thi công mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình. Qua giám sát, dù chưa phát hiện sai phạm nhưng có thể khẳng định, thông qua hoạt động GSĐTCCĐ, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố niềm tin của Nhân dân vào cấp ủy Đảng, chính quyền.

Đảm bảo tính công khai, minh bạch

Toàn tỉnh Phú Yên hiện có 110 ban GSĐTCCĐ với hơn 775 thành viên. Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên, trong năm 2022, các ban GSĐTCCĐ trên địa bàn tỉnh đã giám sát hơn 390 cuộc, chủ yếu là các công trình đầu tư trực tiếp cho xã như nhà văn hóa thôn, hệ thống kênh mương nội đồng…, đã kiến nghị xử lý 42 dự án có vi phạm, được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, nhà thầu, chủ đầu tư xử lý giải quyết 41 vụ việc.

“Việc thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát đầu tư cộng đồng của các ban GSĐTCCĐ đã góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của Nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Qua đó đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư, phòng chống tham nhũng, lãng phí để nâng cao chất lượng các công trình trên địa bàn tỉnh”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn cũng thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, các ban GSĐTCCĐ còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, còn thụ động trong giám sát và phát hiện các vấn đề tiêu cực để phản ánh, đề xuất, chỉ chủ yếu giám sát các công trình nhỏ ở địa phương; chưa mạnh dạn trong giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND, quyết định, chỉ thị của UBND cấp xã, 8 chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, trong giám sát hoạt động của người đứng đầu, đảng viên…

Để các ban GSĐTCCĐ hoạt động thực chất, hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy quyền làm chủ, tham gia quản lý xã hội của người dân thì cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền và MTTQ các cấp cần nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của ban GSĐTCCĐ xã, phường, thị trấn trong phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phối hợp hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng, trang bị kiến thức pháp luật cho thành viên ban GSĐTCCĐ; tạo mọi điều kiện thuận lợi để ban hoạt động. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vị trí, vai trò của ban GSĐTCCĐ trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để Nhân dân, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hiểu rõ, từ đó tích cực hợp tác, cung cấp thông tin. Mặt trận các cấp cần phải đặt công tác giám sát của ban GSĐTCCĐ là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của công tác mặt trận. Hàng năm, hàng quý phải có chương trình, kế hoạch công tác giám sát một cách cụ thể, chi tiết trên cơ sở bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cũng như kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc, kiến nghị của các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể các chương trình, dự án đầu tư cụ thể ở từng địa phương để lựa chọn nội dung giám sát cho phù hợp và đúng chức năng, quyền hạn của ban GSĐTCCĐ. Công tác này phải được thực hiện một cách thường xuyên, lâu dài, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân trong công tác tham gia xây dựng chính quyền… 

Để Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, bảo đảm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác GSĐTCCĐ có ý nghĩa quan trọng nhằm hạn chế sai phạm trong quá trình triển khai các công trình, dự án, tạo điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Việc huy động Nhân dân giám sát công trình mà chính họ thụ hưởng sẽ góp phần phát huy được tinh thần trách nhiệm của cộng đồng, nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình tại các địa phương.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên

THÚY HẰNG