Cử tri và nhân dân đánh giá cao việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine

(Mặt trận) - Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/3, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết: Cử tri và nhân dân đánh giá cao hành động tích cực, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, đã hỗ trợ đồng bào người Việt di chuyển an toàn ra khỏi vùng chiến sự và tổ chức đưa về nước những người có nhu cầu; sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội trước tình hình xăng dầu liên tục tăng giá, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Cử tri và nhân dân kiến nghị về tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn; về vụ việc tai nạn thương tâm chìm ca nô chở khách du lịch khiến nhiều người tử vong tại Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam. Tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo; về tình trạng “loạn giá” kit xét nghiệm nhanh COVID-19. Việc rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus “xách tay” từ Nga, Trung Quốc… trên các trang mạng xã hội; về việc mua thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 cho người điều trị tại nhà còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải mua thuốc ngoài “chợ đen” với giá cao hơn nhiều lần giá nhà nước quy định. Việc khai báo, cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh gặp nhiều khó khăn do trạm y tế cơ sở quá tải. Tình trạng thiếu lao động, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ sở sản xuất kinh doanh do bị cách ly. Tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong học sinh, giáo viên tại trường học sau khi tổ chức học trực tiếp...

Cũng theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình, tính đến nay, đã có 1.705/1.707 kiến nghị của cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV đã được giải quyết, trả lời; 204/923 kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV và 20/218 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện nhận thấy các cơ quan đã cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, đặc biệt, dù chưa đến thời hạn nhưng một số cơ quan đã nghiên cứu, giải quyết trả lời đầy đủ kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ Hai như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến nay vẫn còn 2 kiến nghị gửi đến trước kỳ họp thứ Hai chưa được trả lời, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc và cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền.

Liên quan đến tình hình khiếu nại tố cáo, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng số lượt công dân và đoàn đông người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, vẫn có một số vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài công dân mang theo băng rôn, khẩu hiệu, có biểu hiện kích động, vi phạm pháp luật, gây phức tạp về an ninh trật tự vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; một số cá nhân, đoàn đông người kéo về Trung ương khiếu nại, tố cáo.  

Tại Trụ sở tiếp công dân trung ương đã tiếp 115 lượt với 214 công dân đến trình bày 115 vụ việc, trong đó khiếu nại 68 việc, tố cáo 8 việc, kiến nghị, phản ánh 39 việc; có 11 lượt đoàn đông người đến trình bày 11 vụ việc (giảm  41 lượt với 103 người, giảm 40 vụ việc, giảm 5 đoàn đông người so với tháng trước).

Đồng chí Dương Thanh Bình cho biết, qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo, trong phạm vi cả nước có nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp chủ yếu liên quan đến hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp xả chất thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường, hoạt động của khu xử lý rác thải tập trung ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt của người dân, dẫn đến bức xúc, tiềm ẩn những phức tạp về an ninh, trật tự ở một số địa phương; tình trạng sai phạm tại nhiều dự án chung cư, chủ đầu tư xây dựng công trình khi chưa có giấy phép, người dân nhận nhà đã nhiều năm nhưng chưa nhận được giấy chứng nhận. Việc lấn chiếm đất công để xây dựng các công trình trái phép tại quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

Về hiện tượng thu gom đất nông nghiệp của dân, sử dụng “chiêu trò” hiến đất làm đường để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, xây dựng công trình trái phép không đúng với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và quy hoạch khu dân cư ở tỉnh Lâm Đồng; một số vụ việc công nhân, người lao động tại một số khu công nghiệp đình công, yêu cầu tăng lương, phụ cấp và các phúc lợi khác, gây phức tạp về an ninh, trật tự… Hiện các vụ việc trên đã và đang được cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.  

Qua kết quả tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tiếp và hướng dẫn 19 lượt công dân về 29 vụ việc; đã tiếp nhận đơn, xử lý và chuyển đối với 10 vụ việc của công dân đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trong thời gian trước và trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Ban Dân nguyện đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Công an Hà Nội và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, vận động 26 công dân của 8 tỉnh tập trung đông người tại Hà Nội chấp hành đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; vận động 78 công dân của 18 tỉnh, thành phố lưu trú tại khu vực Trụ sở Tiếp công dân trung ương ở Hà Nội trở về địa phương và hỗ trợ kinh phí đi lại cho 67 công dân của 15 tỉnh, thành phố trở về địa phương đón Tết Nguyên đán. Tại trung tâm Thành phồ Hồ Chí Minh không có tình trạng công dân khiếu kiện tụ tập, lưu trú dài ngày, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đã tiếp 247 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 225 vụ việc, có 3 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 18 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 5 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn trực tiếp hoặc thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 79 vụ việc.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao báo cáo của Ban Dân nguyên đã có chuyển biến tích cực. Trong những kiến nghị, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan xử lý các kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường của Quốc hội song việc xử lý các kiến nghị này còn rất thấp. Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ đã xử lý nhiều vụ việc có liên quan. Đây là sự chủ động của các bộ, ngành.  

“Trong các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Ban Dân nguyện cần đi vào giám sát cụ thể. Những vụ việc khiếu nại tố cáo giao cho các cơ quan giám sát làm chặt chẽ, cụ thể để trả lời cử tri và báo cáo trước Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.