Cơ sở lý luận chủ yếu cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

(Mặt trận) - Suốt 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 30 năm tìm đường cứu nước, 24 năm liền ở cương vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các vấn đề lý luận và thực tiễn, nhất là những vấn đề về kiểm tra, kiểm sát từ cơ sở đến Trung ương để bảo đảm quyền lực nhà nước không bị tha hóa.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Khoa học, cách mạng, nhân văn

Mấu chốt của vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền chúng ta đặt ra, theo tôi, tựa trên 3 trụ cột quan trọng. Một là vấn đề dân chủ - linh hồn, sinh khí của nhà nước pháp quyền, nhất là nhà nước pháp quyền hiện đại XHCN. Hai là vấn đề pháp luật - một điểm mắt xích xung yếu trong câu chuyện thể chế mà Đảng ta đã đề nghị là phải đổi mới thể chế phát triển. Ba là, một trụ cột rất quan trọng là chất lượng quan chức, công chức trong bộ máy công quyền trong nhà nước pháp quyền cả về năng lực, đạo đức và phẩm chất. Đảng ta còn nhấn mạnh bản lĩnh và uy tín. Đây là những sở cứ rất quan trọng để nghiên cứu về nhà nước pháp quyền.

Nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật là một trong những vấn đề trọng yếu trong tư tưởng chính trị của Người, thuộc về dòng tư tưởng mác-xít sáng tạo và hiện đại. Người không giáo điều, không biệt phái, không chỉ vận dụng sáng tạo mà còn phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam.

Hồ Chí Minh luôn nhạy cảm với cái mới, sớm có tư tưởng đổi mới, từ đổi mới tư duy đến đổi mới hành động, tìm ra con đường và phương pháp cách mạng để dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Cách mạng tháng Mười Nga và thời đại mới, con đường và phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh là con đường giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc theo lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Để đổi mới, giải phóng và phát triển, Người sớm trù tính hội nhập, đưa Việt Nam hội nhập vào đời sống quốc tế và thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp nội lực với ngoại lực để phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước.

Trong xây dựng chính thể và nhà nước, do Đảng Cộng sản lãnh đạo và cầm quyền, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nhân tố văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa để phát triển cá nhân và cộng đồng, làm bật dậy các tiềm năng sáng tạo của nhân dân, của dân tộc, từ truyền thống đến hiện đại. Có thể nói, tiếp biến văn hóa để phát triển thông qua hội nhập đó là bản lĩnh sáng tạo của Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật chứa đựng giá trị khoa học, cách mạng và nhân văn. Đó là giá trị hiện đại và bền vững trong tư tưởng của Người, không chỉ là tư tưởng mà còn là đạo đức, phong cách và các phương pháp của Người cùng với hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú mà Người đã trải nghiệm, Người để lại di sản vĩ đại cho Đảng và nhân dân ta, đó chính là thời đại Hồ Chí Minh, như Đảng ta nhận định.

Tư tưởng của Người về Nhà nước và pháp luật là cơ sở lý luận chủ yếu cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay, nhất là hướng tới mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc giữa thế kỷ XXI này.

Chú trọng đề cao tính nhân dân và chủ thể nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền

Từ một số luận điểm của K.Marx, Angel, Lênin về Nhà nước và pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những nhận thức mới, sáng tạo trong xây dựng Nhà nước và pháp luật Việt Nam, mà ngày nay chúng ta đang tiến tới mô hình một Nhà nước pháp quyền XHCN, tập trung vào những chỉ dẫn nổi bật của Bác không chỉ trong các tác phẩm lý luận mà còn trong các hoạt động thực tiễn. Vì, Người là một điển hình của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn.

Thứ nhất, Người chủ trương xây dựng chính thể cộng hòa dân chủ theo mô hình Nhà nước pháp quyền, dù trong tác phẩm của Người không một lần dùng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền”, nhưng Người nói về tư tưởng pháp quyền từ rất sớm, từ 1919 trong bản yêu sách 8 điểm gửi đến Hội nghị Versaille, trong đó có “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”; quan trọng là phải bãi bỏ việc ra các sắc lệnh bằng việc ban hành các đạo luật. Đây chính là mầm mống đầu tiên, tư tưởng Nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, Người nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân trên tư cách người chủ và địa vị làm chủ; nhấn mạnh đến vai trò của pháp luật - “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Dấu ấn đặc sắc của Hiến pháp dân chủ pháp quyền nhân nghĩa là ở Hiến pháp năm 1946 có thể coi là đỉnh cao trong lịch sử lập hiến của nước ta. Những tư tưởng của Người vô cùng đặc sắc, Người để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử lập hiến nước nhà: Mọi công việc trọng đại của quốc gia phải đưa ra cho toàn dân phúc quyết. Nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta xây dựng cần thể hiện được sự thống nhất tính giai cấp mà những nhà kinh điển rất nhấn mạnh, nhưng ở Hồ Chí Minh bổ sung tính nhân dân, tính dân tộc, tính kế thừa lịch sử từ truyền thống đến hiện đại và ngang tầm với thời đại.

Thứ hai, Nhà nước và pháp luật vừa là phương thức, vừa là công cụ, phương tiện để xây dựng nền dân chủ XHCN để thực thi và thực hành dân chủ, để thực hiện quyền và lợi ích của nhân dân với những định hướng: Dân là chủ thể, mục tiêu, động lực của phát triển; Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đây có lẽ là thực chất, bản chất nhất của Nhà nước pháp quyền XHCN. Chúng ta cần đặc biệt chú trọng vào tính logic của mệnh đề này. Phải là Nhà nước của dân thì việc Nhà nước do dân xây dựng mới thực chất, và mục đích vì dân mới bảo đảm sự nhất quán. Bởi hơn ai hết, trong tác phẩm Dân vận năm 1949, Người đặt mục đầu tiên trong tác phẩm này là vấn đề lý luận về dân chủ: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”…

Thứ ba, Người nhấn mạnh kiến tạo Nhà nước dân chủ, chế độ dân chủ, xã hội dân chủ sao cho đủ sức mạnh chống lại những phản dân chủ, phản tiến bộ, phải “tẩy sạch” quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng, chống tập trung quan liêu và tự do vô chính phủ… Muốn đạt được như vậy, thì thể chế, nhất là pháp luật phải nghiêm, “trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai”; “phải liêm và chính từ bộ máy tới con người trong Nhà nước, trong các tổ chức công quyền”; và phải phát triển tiếp tục công cuộc đổi mới để làm sao văn hóa thấm sâu vào đời sống chính trị và bộ máy phải tinh gọn, hoạt động hiệu quả, nhất là chất lượng công chức của chúng ta ngày càng phải nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa và chuyên môn hóa, đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu về mặt đạo đức trong ứng xử với nhân dân và thi hành công vụ…

Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề công chức, cán bộ, nhân viên nhà nước phải là “đầy tớ”, công bộc của dân, phải chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa và phải đề cao đạo đức, tài năng, trọng dụng người có tài, tìm ra động lực phát triển; có cơ chế và chế tài thích hợp để xử lý sai lầm, phạm tội, không có ngoại lệ, không có dung thứ bất cứ một cái xấu, cái ác nào. Người nói, trừng trị cái ác, cái xấu chính là bảo vệ cái thiện, cái đúng mà cái thiện, cái đúng cao nhất chính là quyền và lợi ích của nhân dân; thước đo chất lượng và hiệu quả công tác của công chức phải được đo bằng chính sự hài lòng của nhân dân.

Người rất chú trọng đề cao tính nhân dân và chủ thể nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền. Bác từng nói, kháng chiến kiến quốc là một công việc to lớn và vĩ đại của toàn đảng, toàn dân, toàn quân, phải huy động tất cả sức người, sức của, cả tiền tệ và tài chính cho công việc kháng chiến kiến quốc. Bác nói cả ba thứ đó (nhiều người, nhiều của, nhiều tiền) đều có sẵn trong dân chúng, mà dân chúng giàu lòng yêu nước sẵn sàng ủng hộ Chính phủ, cho nên mấu chốt của chúng ta là phải tìm cách dân vận cho đúng, cho khéo để thu phục được lòng dân. Bác nói rất rõ điều này với cán bộ ngành thuế: Các chú không chỉ thu đồng thuế của dân, mà cái chính là phải thu được lòng dân.

Thứ năm, trong chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Ở đây chúng ta đặc biệt chú trọng đến vấn đề: Người đặt ra trách nhiệm cao nhất của Đảng và Chính phủ trong việc chăm lo đời sống nhân dân, cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân: Dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; dân đau ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi; dân lạc hậu, chậm phát triển cũng là Đảng và Chính phủ có lỗi.

Cho nên, vấn đề xây dựng Nhà nước và pháp luật tiến tới Nhà nước pháp quyền theo đúng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh, cộng hưởng các nhân tố luật pháp, thể chế, chính sách và nhất là vấn đề con người. Từ rất sớm, Người đã đề nghị phải chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa công chức bằng cách thi tuyển công chức. Và chỉ dẫn của Người về chuẩn mực công chức, đó là “thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy, mẫn cán để phục vụ được nhân dân, để xứng đáng là đầy tớ, công bộc của nhân dân”.

Đây là những di sản, chỉ dẫn vô cùng đáng quý mà chúng ta đã, đang và sẽ vận dụng vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân hiện nay. Bài học tốt nhất là chúng ta vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách và phương pháp Hồ Chí Minh về vấn đề Nhà nước và pháp luật.

GS. TS Hoàng Chí Bảo Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương