Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Làm luật phải tạo được niềm tin trong Nhân dân

(Mặt trận) - Đó là thông điệp được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt nhấn mạnh khi cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn chiều ngày 13/8. Theo Chủ tịch Quốc hội, vừa qua, các cơ quan đều rất trách nhiệm, nhưng "căn bản phải là gốc, từ cơ quan soạn thảo qua Bộ Tư pháp để trình Chính phủ và Chính phủ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu chúng ta làm như thế luật sẽ bảo đảm có chất lượng, tạo được niềm tin trong nội bộ và Nhân dân".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu 

Tránh dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá rất cao công tác phối hợp của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo sau kỳ họp thứ Bảy đã tiếp thu khá nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường đối với 3 nhóm vấn đề lớn của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. 

Thống nhất ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế về tên luật là Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần đặc biệt quan tâm vấn đề quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, cần làm rõ hơn chức năng, nội dung, phạm vi, mức độ chi tiết giữa quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và quy hoạch tỉnh, tránh dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành làm đúng theo quy hoạch, tránh điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, tránh phá vỡ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước. Nhiều nước, nhiều nơi công bố sa bàn quy hoạch và triển lãm chỗ nào là quy hoạch phát triển công nghiệp, chỗ nào thương mại, chỗ nào là dịch vụ, các kết cấu hạ tầng đấu nối với nhau rất rõ ràng.

Về lập quy hoạch đô thị mới, theo Chủ tịch Quốc hội, đã nói đô thị mới thì phải hoàn toàn mới. Một số nước, một số nơi xây dựng một thành phố mới với hệ thống điện ngầm, hệ thống công viên, hệ thống cây xanh, hệ thống đường giao thông... trong quy hoạch thành phố nhìn vào rất hiện đại, rất khoa học. Dự thảo Luật tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội khắc phục việc tồn tại cùng lúc nhiều loại quy hoạch trên một địa bàn, giảm nguy cơ chồng chéo, trùng lắp. "Cái gì của quy hoạch cũ trước không còn có thể triển khai được thì chúng ta nên xóa và chúng ta làm quy hoạch mới, thật mới mà không trùng lắp, chồng chéo", Chủ tịch Quốc hội lưu ý. 

Đối với trường hợp định hướng thành đô thị mới gắn với sự thay đổi về địa giới hành chính hiện có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích thêm một số nội dung. Trong đó, trường hợp không lập quy hoạch đô thị mới thì việc đầu tư xây dựng dựa trên định hướng nào? Có khả thi hay không? Nếu quy hoạch đô thị mới thì việc thay đổi địa giới hành chính tác động như thế nào đến quy hoạch đã lập? Có dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch đô thị đã lập hay không? 

Về không gian ngầm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân định rõ phạm vi quy hoạch không gian ngầm. Việt Nam chưa có kinh nghiệm nhiều trong quy hoạch không gian ngầm hay triển khai không gian ngầm. Nêu ví dụ đất nước Singapore có khoảng 700 km2 nhưng vẫn triển khai các công trình ngầm ở dưới mặt đất như siêu thị, nhà hàng và các hoạt động xe, tàu điện ngầm..., Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đặc biệt quan tâm vấn đề quy hoạch không gian ngầm, nhất là đối với những thành phố lớn hiện nay đang quá tải về mật độ dân cư và sinh hoạt.

Theo dự thảo Luật, quy hoạch không gian ngầm bao gồm không gian xây dựng công trình trên mặt đất để sử dụng cho mục đích xây dựng, khai thác, vận hành công trình ngầm. "Việc xác định phạm vi như vậy có dẫn đến chồng lấn trong cách tiếp cận xây dựng quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch không gian khác trên mặt đất hay không? Dự thảo Luật quy định công trình ngầm bao gồm công trình thương mại, dịch vụ ngầm, như vậy sẽ bao gồm tầng hầm của các công trình bất động sản do doanh nghiệp đầu tư như trung tâm thương mại, tòa nhà, văn phòng hay không?". Đặt các câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà soát, kiểm tra lại, trong giải trình, tiếp thu cần làm rõ hơn. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu 

Muốn luật tốt, lãnh đạo bộ phải tích cực ngồi nhiều lần, xem xét từng khoản, từng điều

Về thời gian quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội rất xác đáng, đề nghị các cơ quan nghiên cứu khắc phục hạn chế về sự thiếu đồng bộ, tương thích đối với thời điểm khớp nối giữa các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Vấn đề này phải đồng bộ, khớp nối.

Về tỷ lệ bản vẽ các quy hoạch đô thị và nông thôn, nội dung này có tính chất chuyên ngành, do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần lấy ý kiến thêm các cơ quan chuyên môn; Bộ Xây dựng cung cấp thông tin theo yêu cầu của Ủy ban Kinh tế, trên cơ sở đó, các cơ quan phối hợp làm rõ phương án, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu.

Về phân cấp, phân quyền, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch đô thị, nông thôn, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, phân cấp thẩm quyền cho cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan quản lý khu chức năng. Riêng đối với quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại 1, hiện nay còn ý kiến khác nhau về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phân cấp về cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân là các địa phương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá ưu điểm, nhược điểm của từng phương án.

Qua ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và ở hội trường, cơ quan soạn thảo là Bộ Xây dựng, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế đã tích cực tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội phải nghiên cứu kỹ hơn nữa bởi việc trình Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn thì Bộ Xây dựng cũng đã chuẩn bị nhiều năm, cũng đã lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức hội thảo, nhiều hội nghị để chắt lọc đưa dự thảo Luật lần này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan quán triệt nguyên tắc: "những vấn đề gì đã chín, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì sẽ đưa vào luật để cho chắc chắn; còn những vấn đề gì chưa chín, chưa rõ, chưa có thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu với mong muốn cuối cùng là Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn có "tuổi thọ" lâu dài".  

Nhắc lại Quy định số 178 của Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, "dự luật nào cũng phải đưa vấn đề này lên hàng đầu, tránh lợi ích nhóm, tiêu cực không đáng có trong xây dựng pháp luật, phải làm sao xây dựng pháp luật tạo được niềm tin trong nội bộ và Nhân dân, tin tưởng vào Đảng, tin tưởng vào Nhà nước, nhất là Quốc hội chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân trong công tác lập hiến, lập pháp". 

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, các cá nhân phải cộng đồng trách nhiệm rất cao để xây dựng pháp luật cho tốt. Muốn luật tốt thì lãnh đạo Bộ phải tích cực ngồi nhiều lần để xem xét từng khoản, từng điều, từng dòng, từng từ ngữ, câu chữ để khi trình lên Chính phủ phải có tính thuyết phục, chất lượng cao. Khi Chính phủ trình dự án luật sang các cơ quan Quốc hội thì Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra nhưng Ủy ban Kinh tế cũng gửi cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban để đóng góp ý kiến rồi mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có những dự luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ngồi rất nhiều lần để xem xét, thảo luận, cho ý kiến, trực tiếp Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội phải ngồi xem xét.

"Có thể nói là chúng ta rất trách nhiệm. Nhưng căn bản phải là gốc, từ cơ quan soạn thảo qua Bộ Tư pháp để trình Chính phủ và Chính phủ trình sang đây. Nếu chúng ta làm như thế luật sẽ đảm bảo có chất lượng, tạo được niềm tin trong nội bộ và Nhân dân", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.