Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị

(Mặt trận) - Phát biểu khai mạc phiên chất vấn sáng 21/8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

MTTQ huyện Gio Linh tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội

Tổng Bí thư chủ trì Phiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển 

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành đối với 6 Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội, có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.

Cùng dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các ĐBQH kiêm nhiệm ở Trung ương, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, lãnh đạo các ngành, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Tham dự tại 62 điểm cầu ở địa phương có: 24 Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy; Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH; các ĐBQH công tác tại địa phương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố; các sở, ngành có liên quan...

 

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, theo chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành đối với 6 Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

“Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Qua đó, đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các vấn đề, lĩnh vực Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề, chất vấn đều là những nội dung quan trọng, được cử tri và Nhân dân quan tâm nhiều.

Qua báo cáo và kết quả thực tế cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và công tác đối ngoại, công tác phòng, chống tiêu cực. "Tuy nhiên, một số nội dung triển khai còn chậm, có nội dung hiệu quả, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu", Chủ tịch Quốc hội lưu ý. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển 

Trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm, đưa ra giải pháp cụ thể

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để chuẩn bị hoạt động này, ngay từ rất sớm (tháng 2.2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch để các cơ quan có liên quan chủ động chuẩn bị thực hiện.

Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các bộ, ngành đã tích cực chuẩn bị và đã gửi đến các đại biểu Quốc hội 16 báo cáo về các lĩnh vực, trình bày khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung, lĩnh vực được nêu trong các nghị quyết.

Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện đã có 8 báo cáo nêu ý kiến, đánh giá cụ thể đối với việc thực hiện của từng lĩnh vực; Tổng Thư ký Quốc hội cũng có báo cáo tổng hợp đánh giá việc thực hiện của từng lĩnh vực theo các nghị quyết.

Theo chương trình phiên chất vấn, các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn 2 nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến lĩnh vực: công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch. Nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Thời gian chất vấn trong 1,5 ngày, để bảo đảm sử dụng thời gian hiệu quả tối đa, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chủ tọa phiên họp sẽ mời mỗi lần 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn. Mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút, mỗi câu hỏi tập trung vào 1 vấn đề tâm đắc nhất, thuộc phạm vi 6 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các đại biểu nói chậm, nói rõ để bộ trưởng, trưởng ngành theo dõi, Chủ tọa có thể thuận lợi trong việc ghi chép, tổng hợp và trả lời đúng, trúng vấn đề mà đại biểu quan tâm. Đại biểu được tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn; đại biểu không sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu đã chất vấn trước đó. Thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút, thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi.

Tiếp nối thành công hoạt động chất vấn tại các Kỳ họp vừa qua, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, trình độ chuyên môn sâu và nắm chắc tình hình thực tế ở các địa phương, cơ sở của các đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng; có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình; có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, khắc phục những hạn chế, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng mong đợi của cử tri, Nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất; trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm vấn đề đại biểu nêu; đưa ra được nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn thực hiện cụ thể, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra của năm 2024 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.