Chính sách an sinh xã hội trong Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều quy định mới, tiến bộ, thực tiễn

(Mặt trận) - Quốc hội vừa hoàn thành một công trình “tượng đài” đồ sộ: Luật Đất đai (sửa đổi). Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua: “Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV theo đúng Hiến pháp 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. Ảnh: Trí Dũng 

Đất đai và cuộc sống

Đất đai có liên quan đến mọi thành viên sinh sống trong xã hội từ thuở lọt lòng cho đến khi “nhắm mắt, xuôi tay”. Quan hệ với đất ít nhất cũng là nơi ở, đất ở và nơi an nghỉ vĩnh hằng, nhưng quan trọng nhất vẫn là quá trình sinh sống, trưởng thành, đồng hành hoạt động cùng với đất, đặc biệt là đối với đông đảo những người sản xuất, kinh doanh trên đất. Chính sách đất đai gắn liền mật thiết với chính sách an sinh xã hội như hình với bóng. Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã quán triệt đầy đủ, trọn vẹn các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong các nhiệm vụ đó có các nhiệm vụ đối với hệ thống mạng lưới an sinh xã hội.

Mạng lưới an sinh xã hội từ lâu đã được Nhà nước thiết kế theo nhiều tầng nấc, trong đó tầng nấc đầu tiên là chủ động phòng ngừa rủi ro, gồm những chính sách hỗ trợ người lao động chủ động tìm kiếm việc làm, tạo việc làm, có thu nhập và thu nhập ngày càng cao, tự lo toan được cuộc sống cho mình, cho gia đình mình, san sẻ được “gánh nặng” trợ cấp của Nhà nước và cộng đồng. Bởi vậy, Nghị quyết 18-NQ/TW đã chỉ rõ, “thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi”. Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã thể chế hóa trọn vẹn, đầy đủ, sâu sắc nội dung đặc biệt quan trọng này của Nghị quyết.

Những quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) về an sinh xã hội

Trước hết, Luật xác định rất rõ ràng nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tại Điều 91, Luật quy định 7 nguyên tắc, trong đó rất lưu ý 3 nguyên tắc đặc biệt quan trọng. Một là, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Hai là, mở rộng các trường hợp bồi thường, hỗ trợ để người có đất bị thu hồi rộng đường lựa chọn: bồi thường, hỗ trợ bằng loại đất cùng mục đích sử dụng; trường hợp muốn được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng; trường hợp có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Ba là, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất...

Sau khi xác định các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, Luật quy định các chính sách cụ thể. Theo đó, Luật quy định 3 khả năng bồi thường tại Điều 96: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp mà có đủ điều kiện bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, thì được bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất bị thu hồi. Ở Điều này còn có quy định mới là, đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1.7.2004 mà hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất đó không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì vẫn được bồi thường theo quy định của Chính phủ.

Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh 

Tại Điều 108, Luật đã quy định 6 khoản hỗ trợ cho người bị thu hồi đất, trong đó có hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Đó là những chính sách hỗ trợ kiến tạo cuộc sống tương lai bền vững của người có đất bị thu hồi. Điều này thể hiện sự quan tâm với trách nhiệm cao của Nhà nước đối với người bị thu hồi đất.

Riêng chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 109) rất thấu tình, đạt lý, căn cơ, chu đáo nhất so với tất cả các Luật Đất đai trước đây đã quy định. Bởi lẽ, Luật quy định có cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề; có quy định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với từng đối tượng được hỗ trợ; được tổ chức lập và thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm tại địa phương (phương án phải được lấy ý kiến những người có đất bị thu hồi và được lập, phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ). Các nhiệm vụ nói trên được Luật quy định cụ thể cho từ bộ “chủ quản” tới chính quyền địa phương từ cấp tỉnh tới cấp huyện. Cụ thể, về cơ chế, chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo trình Chính phủ quyết định. Về mức hỗ trợ cụ thể, UBND cấp tỉnh căn cứ cơ chế, chính sách của Chính phủ và điều kiện thực tế của tỉnh mà quyết định. Về việc lập và tổ chức thực hiện các phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện.

Điều 109 của Luật còn thể hiện đậm nét chính sách xã hội đối với các đối tượng thuộc chính sách xã hội: Hỗ trợ bằng tiền không quá 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Trong đó, điểm b khoản 1 quy định “Cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền”.

Những quy định về tái định cư - sự sáng tạo từ thực tiễn

Thực ra, những quy định về tái định cư của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này không chỉ khắc phục những hạn chế, thiếu sót của các Luật Đất đai trước đây, mà còn là rút kinh nghiệm, khắc phục cơ bản những thiếu sót, khuyết điểm trong 30 năm (1960-1990) và một số năm tiếp theo về các công tác khai hoang xây dựng các vùng kinh tế mới; điều động lao động, dân cư, phân bố lại nguồn lao động trên địa bàn cả nươc; di dân theo luồng Bắc - Nam và thực tiễn tái định cư những năm vừa qua... Tổng kết hơn 30 năm các công tác nói trên đã rút ra những vấn đề cực kỳ quan trọng là, không thể đưa lao động, đưa người dân đến sinh sống lâu dài ở những nơi chưa có hạ tầng cơ sở sản xuất, đặc biệt là chưa có hệ thống hạ tầng cơ sở xã hội (con người không thể sinh sống ở những nơi không có chợ, nhà trẻ, trường học, điện, nước, trạm xá, đường sá; không có lưu thông hàng hóa, không có giao tiếp xã hội...).

Những quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này về tái định cư có thể nói là sự sáng tạo từ thực tiễn, là sự đổi mới của đổi mới. Đó là, theo nguyên tắc “vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, địa phương...” được quy định tại Điều 91 nói trên thì nhất thiết phải bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu tái định cư. Do đó, tại Điều 110 Luật đã quy định khu tái định cư phải bảo đảm các điều kiện:

“a) Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị, trong đó: đường giao thông bảo đảm kết nối với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường;

b) Hạ tầng xã hội: bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí, nghĩa trang;

c) Phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền”.

Riêng điều kiện thứ 3 (điểm c) là một yêu cầu rất cao trong điều kiện xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại trong thời đại công nghiệp 4.0.

Địa điểm tái định cư được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên:

- “Tại chỗ”, tức là tại địa bàn xã, phường, thị trấn, nơi có đất bị thu hồi;

- Tại địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất bị thu hồi (trong trường hợp tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi không còn đất để bố trí tái định cư tại chỗ);

- Tại địa bàn khác có điều kiện tương đương với trường hợp tại địa bàn quận, huyện, thị xã... nơi có đất bị thu hồi không còn đất để bố trí tái định cư.

Và, ở cả 3 trường hợp trên, phải ưu tiên lựa chọn khu đất có vị trí thuận lợi để hình thành khu tái định cư...

Với những quy định mới và tiến bộ như vậy, có thể khẳng định Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã phản ảnh đúng đắn tình hình thực tiễn; quy định thấu tình, đạt lý, được Nhân dân, cử tri phấn khởi đón nhận và gửi gắm lòng tin. Tin rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Nhà nước trong tổ chức thực thi khi Luật có hiệu lực thi hành, nhất định sẽ mang lại hiệu quả cao, tích cực trong toàn xã hội nói chung và trong công tác an sinh xã hội nói riêng.