(Mặt trận) -Những ngày qua tỉnh Thái Bình đang phối hợp triển khai hỗ trợ các đối tượng người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Người có công xã Đông Á (Đông Hưng, Thái Bình) nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19.
Nhanh nhưng không được sai sót
Thông tin về tiến độ triển khai, ông Nguyễn Văn Bái- Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Thái Bình cho biết, sau một thời gian các cấp, các ngành trong tỉnh vào cuộc tích cực, khẩn trương, đến ngày 8/5 tỉnh đã “chốt” được danh sách 52.543 người có công và thân nhân người có công với cách mạng ở 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh; trình và được UBND tỉnh phê duyệt cấp kinh phí hỗ trợ, tổng cộng trên 78,8 tỷ đồng. Số còn lại ở các huyện còn lại đang tiếp tục được xem xét phê duyệt.
Trước đó, từ ngày 1/5, người có công và thân nhân người có công ở một số địa phương trong tỉnh đã bắt đầu được nhận tiền hỗ trợ. Đối với nhóm người thuộc diện bảo trợ xã hội, đã có 52.630 người thuộc 4 huyện là Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Đông Hưng, Thái Thụy được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ, tổng kinh phí hỗ trợ trên 78,9 tỷ đồng. Số còn lại đang tiếp tục được xem xét phê duyệt, tiến hành chi trả.
Đối với nhóm người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đã có hơn 23 nghìn người, thuộc 3 huyện là Kiến Xương, Đông Hưng, Thái Thụy được UBND tỉnh phê duyệt, tổng kinh phí hỗ trợ 17,4 tỷ đồng. Số còn lại ở các huyện đang tiếp tục được xem xét phê duyệt, tiến hành chi trả.
Ông Bái cho biết, Thái Bình phấn đấu đến trước ngày 15/5 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ cho nhóm người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đối với nhóm đối tượng hộ kinh doanh; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp... đang trong quá trình thống kê và phấn đấu “chốt” được danh sách, báo cáo Ban Chỉ đạo của tỉnh trước ngày 15/5. Theo chỉ đạo của UBND, toàn tỉnh Thái Bình sẽ hoàn thành việc hỗ trợ tất cả các đối tượng trong tháng 5/2020.
Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình cũng cho rằng, yêu cầu đặt ra đối với công tác hỗ trợ là vừa phải nhanh, đúng đối tượng, đúng chế độ nhưng không được để xảy ra sai sót, trục lợi chính sách, cán bộ mắc sai phạm dẫn đến bị xử lý.
Trên thực tế, mặc dù đã có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Chính phủ song quá trình triển khai thực hiện, địa phương vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, lúng túng, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Khó khăn lớn nhất là xác định được đúng đối tượng cần hỗ trợ.
Đơn cử, đối với các nhóm người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo, chính quyền, cơ quan thực thi chính sách có thuận lợi là đã có sẵn danh sách, do thường xuyên phải cập nhật để chi trả chế độ. Tuy nhiên, do nhiều trường hợp trùng lặp, một người vừa là hộ nghèo, cận nghèo vừa là người thuộc diện bảo trợ xã hội, do vậy cơ quan chức năng lại phải mất rất nhiều thời gian để sàng lọc danh sách, đảm bảo một người chỉ được nhận hỗ trợ một lần với mức hỗ trợ cao nhất.
Việc sàng lọc mất rất nhiều thời gian do nhiều khâu phải làm thủ công, đối chiếu danh sách quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành. Đối với nhóm đối tượng phi nông nghiệp, để xác định được đúng đối tượng cũng không đơn giản. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc xác định đối tượng này.
Ông Bái lấy ví dụ, một hộ gia đình được giao ruộng đất lâu dài nhưng không sinh sống chính bằng đồng ruộng mà bằng các công việc chạy xe ôm, taxi, bán hàng quán. Khi dịch bệnh xảy ra thu nhập, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu xét ở khía cạnh hộ gia đình đã được giao ruộng đất ổn định, lâu dài thì họ được xác định là hộ nông nghiệp, không thuộc nhóm phi nông nghiệp do vậy không được hỗ trợ. Trong khi đó, những hộ gia đình như trên ở Thái Bình có rất nhiều. Tương tự, đối với nhóm hộ kinh doanh, việc xác định cũng rất nan giải. Theo đó, để được hỗ trợ, ngoài việc phải có tên trong danh sách quản lý của ngành thuế, có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, hộ kinh doanh còn phải đảm bảo đã chấp hành ngừng kinh doanh, đúng, đủ thời gian theo lệnh của chính quyền. Nếu xác định không sát, để những hộ không chấp hành vẫn được nhận hỗ trợ là không công bằng, dễ dẫn đến khiếu kiện. Đối với lao động tự do, cũng phải xác định được chính xác họ đã bị mất việc làm, thu nhập, làm căn cứ hỗ trợ.
Đây là những lý do khiến việc triển khai hỗ trợ mất nhiều thời gian, không thể nhanh hơn như xã hội mong muốn...
Mặt trận tham gia giám sát từ khâu đầu tiên
Góp phần đảm bảo chính sách hỗ trợ được thực thi kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh Thái Bình đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng chính quyền, ngành chức năng. Theo ông Nguyễn Văn Giang- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình, ngoài việc tích cực thông tin, tuyên truyền chính sách hỗ trợ tới nhân dân trong tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp cùng Sở LĐTBXH tổ chức hội nghị toàn tỉnh triển khai kế hoạch hỗ trợ; ra văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận các cấp trong tỉnh phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng trong quá trình triển khai thực hiện; cử cán bộ tham gia 6 tổ công tác do UBND tỉnh lập.
Đặc biệt, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tích cực, triển khai nhiều hoạt động giám sát thực hiện chính sách, nhất là trong khâu lập danh sách. Trong đó, đối với nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo, Mặt trận phối hợp cùng ngành LĐTBXH, ngành bảo hiểm xã hội thực hiện rà soát, đối chiếu danh sách.
Quá trình rà soát, đối chiếu danh sách với ngành bảo hiểm xã hội đã phát hiện, đưa ra khỏi danh sách không ít những trường hợp đang hưởng chế độ hưu trí, không thuộc diện được hưởng hỗ trợ.
Đối với nhóm đối tượng là lao động tự do và đối tượng hộ kinh doanh, Mặt trận phối hợp cùng chính quyền, ngành chức năng thực hiện công khai danh sách trước khi được UBND tỉnh phê duyệt. Trên thực tế, đây là hai nhóm đối tượng khó xác định chính xác, dễ phát sinh việc lợi dụng, trục lợi. Việc công khai sớm tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát, đảm bảo việc hỗ trợ được đúng người, đúng đối tượng, tránh để xảy ra sai phạm, khiếu nại, tố cáo.
“Từ ngày 1/5, khi một số địa phương trong tỉnh bắt đầu thực hiện chi trả tiền hỗ trợ, MTTQ các địa phương đều cử cán bộ tham gia giám sát khâu này, đảm bảo những trường hợp nhận hỗ trợ không đúng đối tượng, không đúng chính sách đều bị phát hiện, ngăn chặn”- ông Giang khẳng định.
Theo Duy Hưng – Báo ĐĐK