(Mặt trận) -Sáng 4-11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh “Quy định chi tiết danh mục các khoản thu và mức thu; cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.
Đồng chí Hồ Văn Điềm-Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh; các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện Hội đồng tư vấn về Dân chủ-Pháp luật và Hội đồng tư vấn về Kinh tế-Xã hội của MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện thành phần nhân sĩ, trí thức, chuyên gia trên các lĩnh vực cùng đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ, Phòng Giáo dục-Đào tạo các huyện: Ia Grai, Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang và TP. Pleiku.
|
Các đại biểu tham gia Hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến phản biện |
Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định đối tượng áp dụng và các nội dung cụ thể: Về mức thu dịch vụ bán trú; Dạy các môn tự chọn: Tiếng Anh, Tin học và các môn năng khiếu, kỹ năng sống; Dịch vụ phục vụ trực tiếp người học; Dịch vụ đưa đón học sinh đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Hội thị đã có 11 ý kiến của các đại biểu tham gia phản biện. Các ý kiến phản biện tại hội nghị đều cho rằng việc ban hành nghị quyết về các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi là cần thiết. Một số đại biểu đề nghị việc thực hiện các khoản thu phải đảm bảo sát với tình hình thực tế của từng vùng, miền nhưng trên nguyên tắc đảm bảo công bằng xã hội và chất lượng giáo dục. Đối với các học sinh thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo nên có chính sách miễn thu, giảm các khoản thu... Bên cạnh đó, để tránh lạm thu, lạm chi trong quá trình tổ chức thực hiện phải có vai trò, trách nhiệm của hội phụ huynh; có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính, HĐND và Ủy ban MTTQ các cấp theo quy định.
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Văn Điềm đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo-cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các đại biểu để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo tính pháp lý của dự thảo Nghị quyết và tính khả thi của chính sách sau khi được ban hành, tạo sự đồng thuận của Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến và tham vấn thêm các kênh thông tin khác để có báo cáo phản biện chính thức gửi UBND tỉnh về dự thảo Nghị quyết.
VĂN NGỌC