Bắc Giang: Phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia

(Mặt trận) - Thời gian qua, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (Ban TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng có vai trò quan trọng trong phát huy dân chủ cơ sở nói chung và trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các thành viên tham ra trên tinh thần tự nguyện, có nhiều nỗ lực, tâm huyết trong hoạt động giám sát, góp phần ổn định an ninh trật tự và góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

50 địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri của Mặt trận có nhiều điểm mới

Giám sát phải đúng, trúng, trọng tâm, trọng điểm

Diện mạo nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang ngày càng khởi sắc

Tỉnh Bắc Giang có 10 huyện, thành phố; trong đó có 5 huyện miền núi (Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang); có 1 huyện thuộc huyện khó khăn của cả nước. Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 209 Ban TTND với 1.943 thành viên và 533 Ban GSĐTCCĐ với 3.233 thành viên, các thành viên đều là những người có uy tín, hiểu biết về chính sách, pháp luật, đáp ứng đủ các điều kiện tham gia theo quy định. Các Ban thường xuyên được MTTQ các cấp quan tâm củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng giám sát và đã xây dựng được Quy chế hoạt động có nền nếp, hiệu quả, Trưởng Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn.

Năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2023, Ban TTND đã tham dự 101 cuộc họp của HĐND, UBND xã liên quan đến nhiệm vụ giám sát, xác minh; 488 cuộc họp của Ủy ban MTTQ cấp xã liên quan đến tổ chức và hoạt động; Ban GSĐTCCĐ đã tham dự 1978 cuộc họp của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ cấp xã liên quan đến nhiệm vụ GSĐTCCĐ, 1.972 cuộc họp của Ủy ban MTTQ cấp xã liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ban GSĐTCCĐ. Ban TTND đã giám sát được 6.098 cuộc; phát hiện 43 vụ việc sai phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Ban GSĐTCCĐ đã giám sát được 2.151 dự án, công trình, phát hiện 09 dự án vi phạm, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Trong đó, có 3.188 cuộc giám sát, phát hiện 18 vụ việc vi phạm của Ban TTND và 1.265 cuộc giám sát, phát hiện 01 vụ việc vi phạm của Ban GSĐTCCĐ đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sau giám sát đã kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chung của cộng đồng; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương,...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ trong giám sát chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như sự phối hợp giữa MTTQ và UBND trong thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết thi đua, khen thưởng về công tác TTND, GSĐTCCĐ ở một số địa phương trong tỉnh còn chưa thường xuyên; Một số Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ chưa bám sát Nghị quyết của HĐND, chương trình kinh tế - xã hội của UBND và văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên để  xây dựng được chương trình, kế hoạch công tác giám sát hàng năm; Công tác củng cố, kiện toàn, tập huấn nghiệp vụ, trang bị tài liệu cho đội ngũ thành viên Ban GSĐTCCĐ ở một số nơi còn chưa được chú trọng. Năng lực và kỹ năng giám sát của thành viên ở một số nơi còn hạn chế. Việc huy động nhân dân cùng tham gia giám sát chưa thường xuyên,...

Với sự ra đời của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023). Nhà nước đã tạo ra một công cụ pháp lý về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trao cho nhân dân ở cơ sở những quyền dân chủ thực sự. Trong đó Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ là một trong các chủ thể quan trọng trong phát huy dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, việc quy định tiêu chuẩn của thành viên tham gia Ban TTND là người “không đồng thời là cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, TDP” sẽ dẫn đến việc lựa chọn người tham gia hết sức khó khăn; đặc biệt là các đơn vị thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - nơi trình độ dân trí thấp hơn, người dân ít hơn, địa bàn khó khăn hơn.

Ông Trần Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang trò chuyện với người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 11/2022. 

Để phát huy hơn nữa vai trò hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ trong thời gian tới, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cần phối hợp với các ngành chức năng triển khai sâu rộng trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp các văn bản quy định về hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ. Trong đó, tập trung việc triển khai, hướng dẫn thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn. Tiếp tục triển khai thực hiện: Nghị định số 159/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân; Nghị định 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư và các văn bản của tỉnh ban hành về công tác TTND, GSĐTCCĐ.

Cùng với đó, hằng năm xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra thực hiện công tác TTND, GSĐTCCĐ; hướng dẫn cơ sở tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, kịp thời khắc phục những tồn tại hạn chế, củng cố những nơi hoạt động còn yếu kém, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tiếp theo.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần hướng dẫn Ủy ban MTTQ cấp xã xây dựng kế hoạch của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ hằng năm; thông qua kế hoạch, lập dự toán chi phí hỗ trợ cho hoạt động Ban GSĐTCCĐ; hướng dẫn nội dung chi, quản lý, sử dụng chi phí giám sát theo đúng quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư số 63/2017/TT-BTC ngày 19/6/2017 quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ban TTND; điểm a, khoản 5 Điều 9 Nghị định 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Ủy ban MTTQ cấp xã tăng cường hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn về tổ chức, đảm bảo số lượng thành viên Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ theo quy định mới; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban GSĐTCCĐ, chú trọng giám sát việc thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, giám sát cán bộ đảng viên và các công trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương; Tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân trên địa bàn chủ động thực hiện quyền giám sát. Định kỳ tiến hành tổng kết năm, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác giám sát.