Triển vọng sáng trong hợp tác Việt Nam-Ấn Độ về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

(Mặt trận) - Ngày 18/8, tại thành phố Bangalore, thủ phủ bang Karnataka, Ấn Độ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với chính quyền sở tại tổ chức diễn đàn đầu tư, khởi nghiệp Việt Nam - Ấn Độ với chủ đề “Đầu tư vào Việt Nam - Hợp tác đầu tư công nghệ cao và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt, vinh danh 8 tập thể, 18 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi điện mừng tới Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Huy Lê - P/v TTXVN tại Ấn Độ 

Tham dự sự kiện được tổ chức theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến này có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, đại diện chính quyền, các cơ quan quản lý đầu tư, khoa học công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của bang Karnataka, các công ty, quỹ đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp của bang. Phía Việt Nam có Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ), Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, các trung tâm, vườn ươm đổi mới sáng tạo như BKHoldings, SaigonTel.

Tại diễn đàn, các diễn giả của hai bên đã có các phần trình bày để trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình, sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của mỗi bên. Đại diện phía bang Karnataka đã chia sẻ về các chính sách, kinh nghiệm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của bang. Hai doanh nghiệp khởi nghiệp của Karnataka đã chia sẻ về quá trình phát triển, suy nghĩ, trải nghiệm của họ về hệ sinh thái khởi nghiệp của bang Karnataka.

Phía Việt Nam đã trình bày về các chính sách, dự án, kế hoạch thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, cũng như các đề xuất về nội dung, phương hướng hợp tác với bang Karnataka trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đại diện một số vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp của Việt Nam cũng chia sẻ mong muốn được trao đổi, hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tại bang Karnataka.

Phát biểu tại Diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh khoa học công nghệ là một trong các trụ cột quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng Văn phòng KHCN Việt Nam tại Ấn Độ đã và đang triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác KHCN giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Việc tổ chức diễn đàn đầu tư, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Karnataka, trung tâm KHCN, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Ấn Độ, khẳng định quyết tâm thúc đẩy kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giữa hai bên. Tiếp sau sự kiện này, cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của hai bên sẽ có nhiều hoạt động hợp tác, trao đổi cụ thể với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và các đầu mối kết nối của hai bên là Văn phòng KHCN Việt Nam tại Ấn Độ và cơ quan khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bang Karnataka.

Theo thông tin tại diễn đàn, Việt Nam đã xây dựng, ban hành Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 844). Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ cho hơn 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 600 doanh nghiệp phát triển thành doanh nghiệp lớn mạnh; và đưa Việt Nam thành một trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, bang Karnartaka là trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Ấn Độ, với thủ phủ Bangalore lâu nay vẫn được coi là thung lũng Silicon của Ấn Độ. Hiện Karnataka có 14 trong tổng số hơn 30 công ty kỳ lân (giá trị trên 1 tỷ USD) của Ấn Độ.

Kết thúc diễn đàn là phần hỏi đáp, trong đó hai bên nêu lên nhiều câu hỏi, trao đổi các quan điểm, suy nghĩ về việc thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Các diễn giả phía bang Karnataka khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của mỗi bên trong quá trình phát triển, nhất là tiếp cận các nhà đầu tư, tư vấn phát triển các mô hình, sản phẩm ứng dụng công nghệ mới, mở rộng thị trường.