Tết người xa xứ thời đại dịch

(Mặt trận) - Chúng ta vừa đi qua một năm Canh Tý đầy khó khăn. Thế nhưng khó khăn thế nào thì tinh thần đoàn kết, ý chí, nghị lực của người Việt ở cả trong và ngoài nước vẫn luôn tỏa sáng - đẹp như một điều thần kỳ. Đó cũng là điều mà các vị Ủy viên UBTƯMTTQ Việt Nam – Chủ tịch các hội, đoàn tại Australia, Hunggary và Hàn Quốc chia sẻ cùng độc giả.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt, vinh danh 8 tập thể, 18 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi điện mừng tới Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh

Ông Trần Bá Phúc (thứ 3 từ trái sang) cùng bà con kiều bào đón Tết.   

Tết cổ truyền – thời khắc thiêng liêng

PV: Thưa các vị, ở xa quê hương, nhưng Tết cổ truyền vẫn là thời khắc thiêng liêng mà bà con kiều bào ta  luôn mong chờ và gìn giữ với những hoạt động vô cùng thiết thực?

Ông Trần Bá Phúc, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia:

-Với chúng tôi, những người con xa xứ, Tết là những cảm xúc rất thiêng liêng. Cộng đồng người Việt tại Australia có trên 320 ngàn người. Hàng năm vào dịp tết Nguyên đán, Đại sứ quán Việt Nam và các tổ chức hội đoàn của cộng đồng người Việt tại Úc đều tổ chức Ngày hội Tết Việt Nam “Tet Festival” tại nhiều địa điểm của Úc để duy trì những phong tục cổ truyền, bảo tồn văn hóa dân tộc Việt cho thế hệ con em người Việt ở nước ngoài.

Ngày hội Tết Việt Nam tại Úc có trưng hoa mai, hoa đào để đón xuân, tổ chức gói và nấu bánh chưng, bánh tét. Nước Úc là một quốc gia đa văn hóa nên Ngày hội Tết Việt Nam được giới thiệu tại Úc là một lễ hội lớn, đặc trưng về văn hóa cổ truyền dân tộc Việt thu hút được rất nhiều người Úc cùng tham dự.

Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Ủy viên UBTƯMTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Người Việt Nam, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary:

-Đã thành truyền thống từ nhiều năm nay vào mỗi dịp tết Nguyên đán, Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary đều tổ chức các lễ hội đón tết cho bà con người Việt trong cộng đồng. Lễ hội tết thường được tổ chức vào thời điểm sát tết Nguyên đán. Chương trình lễ hội phong phú, bao gồm khu bán ẩm thực tết, góc ông đồ viết chữ đầu xuân, mâm ngũ quả đặc trưng cho các vùng miền của đất nước, sổ xố may mắn đầu xuân và phần chính là chương trình văn nghệ đón tết. Lễ hội tết thu hút được nhiều bà con tham gia, có thể lên đến hơn nghìn người.

Những năm gần đây ở Hungary có thể mua được đầy đủ các đồ thực phẩm từ mứt tết, măng miến, lá dong, giò chả, gạo nếp, gấc… Do vậy việc nấu nướng các hương vị ngày tết rất thuận tiện. Phần lớn các gia đình người Việt ở Hungary đều giữ phong tục làm mâm cơm cúng giao thừa. Gần tết bánh chưng, bánh tét được bày bán nhiều nơi tại các cửa hàng thực phẩm.

Nhiều gia đình còn tổ chức tự gói bánh chưng tại nhà cho có không khí. Mâm cơm cúng tổ tiên vào đêm giao thừa cũng đầy đủ mọi hương vị tết. Đơn cử như nhà tôi mâm cơm cúng đêm giao thừa có đủ gà trống luộc nguyên con, bánh chưng, măng, miến, xôi gấc, giò, hành muối, bóng, nộm... Một số phong tục như tục xông đất đầu năm, mừng tuổi lấy may hay đi lễ chùa cầu bình an vẫn được giữ gìn.

Tại Hungary, do tết vào mùa đông nên cây cối đều rụng hết lá nhưng theo kinh nghiệm là trước tết khoảng 2 tuần sẽ cắt một cành đào từ vườn vào cắm trong nhà thì cành đào đó sẽ trổ nụ, nở hoa giống ở quê nhà.

Ông Trần Hải Linh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc 

Ông Trần Hải Linh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc:

-Với mong muốn mang lại một cái tết ấm áp, gần gũi cho những người con xa xứ không có điều kiện về quê hương, Tết năm nào chúng tôi chuẩn bị các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, giò chả, bánh mứt, tự làm các cành hoa mai hoa đào, phong bao lì xì trang trí với đầy đủ không khí tết truyền thống… Bên cạnh đó là các tiết mục văn nghệ truyền thống, tái hiện các không gian ngày tết đặc sắc.., tạo các trò chơi dân gian nhằm đưa đến một cách chân thực nhất không khí đón tết ở quê hương. Đồng thời giới thiệu đến bạn bè Hàn Quốc những nét đẹp của tết cổ truyền Việt Nam.

Ở Hàn Quốc, việc chuẩn bị đón tết cổ truyền không quá khó bởi tất cả nguyên vật liệu đều rất dễ dàng mua sắm ở các khu chợ hay siêu thị của người châu Á, hoặc các cửa tiệm do người Việt Nam làm chủ.

Đón Tết nơi xa

PV: Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Vậy theo ông/bà, Hội Người Việt Nam dự định tổ chức đón Tết Nguyên đán như thế nào để vừa bảo đảm các quy định phòng dịch ở nước sở tại, vừa giữ được truyền thống văn hoá?

Ông Trần Bá Phúc: - Úc là một trong những quốc gia đã kiểm soát tốt và rất nghiêm khắc về việc phòng chống Covid-19 cho nên số người bị nhiễm bệnh và lây nhiễm rất thấp so với các quốc gia khác trên thế giới. Nhiều địa điểm tại Úc đã được nới lỏng hoàn toàn ngoại trừ thành phố Sydney có một số người bị lây nhiễm mới do từ nước ngoài trở về. Tất cả các cơ sở kinh doanh và dịch vụ giải trí của Úc đều được mở cửa hoạt động trở lại và đang trên đà phát triển tốt.

Các lễ hội, tiệc mừng kỷ niệm và hội họp hiện nay tại Úc hoàn toàn được tổ chức không bị ngăn cấm. Số lượng người tham dự không còn bị hạn chế. Chính phủ chỉ khuyên người dân nên tự giữ những biện pháp an toàn cần thiết. Năm nay cộng đồng người Việt tại Úc vẫn tổ chức ngày hội Tết Nguyên Đán, mừng Tết Tân Sửu như thường lệ ở các nơi có đông người Việt nhưng sẽ hạn chế số người tham dự.

Bà Phan Thị Bích Thiện: - Năm nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại châu Âu. Lần đầu tiên các lễ hội trong dịp Giáng sinh và tết Dương lịch đều bị cấu tổ chức. Các gia đình cũng bị hạn chế thăm hỏi gặp gỡ nhau. Ở Hungary tình trạng khẩn cấp kéo dài đến giữa tháng 2/2021. Do vậy tết Tân Sửu năm nay chắc chắn Hiệp Hội người Việt Nam tại Hungary sẽ không tổ chức lễ hội đón Tết như hàng năm. Hiệp Hội sẽ luôn cập nhập các tin tức vào dịp đầu xuân và có thư chúc Tết chung cho bà con trong cộng đồng thông qua các trang Facebook và nhóm Viber của Hiệp Hội.

Ông Trần Hải Linh: - Tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đang diễn biến rất phức tạp, hiện chính phủ Hàn Quốc quy định không tụ tập quá 5 người, do vậy chắc chắn chúng tôi sẽ không tổ chức sinh hoạt văn hóa tết truyền thống giống như mọi năm. Hội cũng đề nghị bà con, mỗi nhà sẽ chủ động hơn để chuẩn bị không khí tết riêng cho từng gia đình, với việc mua sắm đồ trực tuyến hoặc liên hệ các cửa hàng để được giao nhận đồ tại nhà, hạn chế đi lại ngoài đường. Bù vào đó chúng tôi sẽ tăng cường việc tương tác trao đổi online là động viên lẫn nhau nhân dịp năm mới.

Điểm tựa tinh thần

PV: Vậy thưa các ông, bà, với vai trò là “điểm tựa tinh thần” của người Việt xa xứ, Hội người Việt Nam sẽ tổ chức những hoạt động gì để giúp đỡ các gia đình khó khăn đón Tết, vui Xuân?

Ông Trần Bá Phúc: - Năm nay bà con người Việt tại Úc đã được Chính phủ nước sở tại hỗ trợ tài chính để cùng vượt qua khó khăn, như tăng các khoản tiền trợ cấp xã hội, trợ cấp duy trì việc làm, trợ cấp tìm việc làm, miễn thuế giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa... Vì vậy cộng đồng người Việt đã có quốc tịch Úc hoặc thường trú định cư tại Úc không gặp khó khăn lớn.

Năm nay chúng tôi vẫn sẽ duy trì các hoạt động vui xuân đón Tết nhưng sẽ không được trọn vẹn như những năm trước đây.

Bà Phan Bích Thiện: - Tình hình dịch bệnh năm nay ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh cũng như cuộc sống của bà con người Việt ở nước ngoài. Trong thời gian vừa qua Hiệp Hội người Việt Nam tại Hungary luôn quan tâm và có những hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp đặc biệt khó khăn trong cộng đồng. Sự hỗ trợ này cũng sẽ được thực hiện trong dịp Tết Tân Sửu đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn.

Ông Trần Hải Linh: - Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chúng tôi ưu tiên việc đầu tiên đó là đoàn kết tuân thủ nghiêm ngặt việc chống dịch, tránh tối đa những phát sinh hoặc diễn biến xấu ảnh hưởng do dịch bệnh.

Hướng về nguồn cội

PV: Tết là dịp bà con hướng về nguồn cội. Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để gắn kết bà con hơn nữa trong dịp Tết cổ truyền cũng như giúp bà con gìn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc?

Ông Trần Bá Phúc: - Năm nay vì dịch bệnh Covid-19 các đường bay quốc tế chưa được mở cửa, việc qua lại giữa các nước bị trở ngại cho nên cộng đồng người Việt tại Úc cũng như các nước khác bị ảnh hưởng rất nhiều. Tết này, ít người về được quê hương đón Xuân. Vì thế, bên này chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức các hoạt động cộng đồng.

Bà Phan Bích Thiện: - Đối với người Việt xa xứ mỗi khi tết đến xuân về là nỗi nhớ quê lại day dứt khôn nguôi. Chương trình Xuân quê hương không chỉ là điểm hẹn cho bà con kiều bào ở khắp nơi trên thế giới trở về quê hương đón Tết, cùng vui hưởng một mùa xuân ấm áp, sum họp theo phong tục Tết cổ truyền, mà còn là sự kiện khẳng định Đảng và Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận ruột thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Với những người Việt phải đón tết ở nơi xa, thời gian gần đây nhiều đoàn văn nghệ sỹ ở trong nước đã tổ chức các chuyến biểu diễn, các chương trình văn nghệ phục vụ bà con ở nước ngoài vào dịp tết. Điều đó đã giúp cho kiều bào xa xứ thêm ấm áp, vơi bớt đi nỗi nhớ nhà mỗi khi tết đến xuân về.

Theo tôi, những hoạt động kết nối kiều bào cần tiếp tục được duy trì và phát huy. Ngoài ra có thể tăng thêm các chương trình quảng bá về truyền thống văn hóa tết Việt dành cho kiều bào trên các kênh truyền thông để giúp kiều bào, đặc biệt là các thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở nước ngoài hiểu và trân trọng thêm văn hóa dân tộc. Các chương trình này cũng nên được phát bằng cả tiếng Anh để các cháu thế hệ trẻ không thạo tiếng Việt vẫn xem và hiểu được.   

Ông Trần Hải Linh: - Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và MTTQ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với việc thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để lắng nghe tiếng nói của bà con kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người xa quê có điều kiện trở về, đóng góp công sức dựng xây đất nước. Tuy nhiên, Nhà nước cần quan tâm, rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn để kiều bào yên tâm quay trở về đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cống hiến tri thức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với vai trò là tổ chức đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục cần được MTTQ Việt Nam coi là một nhiệm vụ quan trọng. Do đó, cần có sự quan tâm hơn nữa từ Mặt trận đến với cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong thời điểm tết để động viên khích lệ bà con phòng chống dịch bệnh tốt, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và tiếp tục hướng về quê hương đất nước. Đối với bà con kiều bào đang có mặt ở Việt Nam thì có hình thức gặp mặt, động viên trực tiếp, đồng thời có những khích lệ, khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân kiều bào đã có những hoạt động tốt trong năm qua.

Trân trọng cảm ơn các vị về cuộc trò chuyện này!