Sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

(Mặt trận) - Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Kết luận 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ IV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thân mật các kiều bào tiêu biểu về dự Chương trình “Xuân Quê hương”. Ảnh: QĐND 

Nội dung Kết luận nêu rõ: Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19.5.2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26.3.2004 của Bộ Chính trị khoá IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45); cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển; đại bộ phận đồng bào đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại.

Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng được củng cố.

Những chuyển biến này là nhờ sự nỗ lực của chính cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với tấm lòng luôn hướng về quê hương, đất nước; sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, công tác người Việt Nam ở nước ngoài còn một số hạn chế. Có nơi, có lúc công tác người Việt Nam ở nước ngoài chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức; công tác nắm tình hình cộng đồng, tham mưu, kiến nghị và phối hợp triển khai chủ trương, chính sách chưa sâu sát, chặt chẽ và kịp thời; chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đồng bào ta ở nước ngoài.

Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn, qua đó phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận ủng hộ từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn số tiền mà cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi về 

Để tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả hơn Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước. Kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc. Tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước sở tại và pháp luật Việt Nam; kịp thời tôn vinh, động viên, khích lệ người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại, triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh... Tăng cường lực lượng, biện pháp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, an ninh, phòng, chống tội phạm, ngăn chặn hiệu quả nạn buôn người, xuất nhập cảnh, cư trú trái phép, qua đó hỗ trợ bảo đảm an ninh trong cộng đồng; xử lý triệt để, đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật nước sở tại.
3. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh... Giải quyết nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết 36. Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
4. Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chú trọng hợp tác với nước sở tại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt; tập trung thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống; nghiên cứu đầu tư, xây dựng trung tâm văn hóa của người Việt tại các địa bàn này. Nghiên cứu lựa chọn Ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt.
5. Đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước.
6. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài; kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài; giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài có đủ bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tâm huyết. Trong đó, chú trọng các bộ phận làm việc trực tiếp tại nước sở tại theo hướng sâu sát, thực chất, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Ngăn chặn và phòng ngừa việc lợi dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài để trục lợi, chống phá đất nước, ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích quốc gia - dân tộc.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trao số tiền hỗ trợ 4 tỷ đồng cho Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao. Nguồn kinh phí này sẽ được Bộ Ngoại giao hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại 4 nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Malaysia vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tổ chức thực hiện

Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ, trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận này; phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, nhân dân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động; thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát thực hiện pháp luật liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện; triển khai các hoạt động, phong trào và giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện phù hợp với điều lệ, chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Đảng đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các cơ quan liên quan chỉ đạo công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại kết hợp với đấu tranh dư luận về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan và các cấp uỷ địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận này.