Quan hệ Việt Nam - Thái Lan: Chặng đường 45 năm hợp tác, phát triển

(Mặt trận) - Trải qua 45 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1976 - 2021), quan hệ Việt Nam - Thái Lan đã phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, trở thành “đối tác chiến lược”, hợp tác hữu nghị, toàn diện. Trong giai đoạn hiện nay, trước sự biến đổi nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới và khu vực, quan hệ Việt Nam - Thái Lan đứng trước những thách thức, khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hai nước để thúc đẩy mối quan hệ đi vào chiều sâu, phát triển hiệu quả, bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ IV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

Nhân dân tỉnh Narathiwat (phía Nam Thái Lan) chào đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến thăm tới Thái Lan (tháng 9-1978)_Ảnh: TTXVN  

Không ngừng củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, toàn diện

Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia có quan hệ ngoại giao thân thiết, cùng là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các tổ chức tiểu vùng khác trong khu vực. Thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8-1976, tuy nhiên, quan hệ song phương giữa hai nước chỉ bắt đầu khởi sắc từ sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Thái Lan vào tháng 9-1978. Trong giai đoạn 1979 - 1989, do những bất ổn về chính trị của khu vực và thế giới tác động không nhỏ đến quan hệ Việt Nam - Thái Lan, khiến hai nước gặp khó khăn trong phát triển hơn nữa quan hệ chính trị - ngoại giao (1).

Đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, quan hệ Việt Nam - Thái Lan dần được cải thiện và không ngừng được củng cố, phát triển mạnh mẽ, nhất là sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào tháng 10-1993 và sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995. Sự kiện đáng chú ý trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước được đánh dấu bởi Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Thái Lan (tháng 2-2004). Theo đó, hai nước đã ký kết nhiều văn bản quan trọng làm nền tảng cho sự hợp tác trên các lĩnh vực. Nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 6-2013), Việt Nam và Thái Lan chính thức nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược”, trở thành hai quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Tính đến nay, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Đặc biệt, lãnh đạo cấp cao hai nước luôn sát sao chỉ đạo thực hiện hợp tác trên tất cả các lĩnh vực đã được thỏa thuận trong Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2014 - 2018 giữa Việt Nam và Thái Lan, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước luôn tăng cường hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ và ủng hộ lẫn nhau. Một số cơ chế hợp tác chung mà hai bên cùng tham gia, như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với việc hình thành Cộng đồng ASEAN (AC), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC)…

Về thương mại, Thái Lan là một trong những đối tác có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn với tổng giá trị trao đổi thương mại luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch thương mại của Việt Nam với Thái Lan tăng gấp 7 lần, từ 2,31 tỷ USD năm 2004 lên đến 16,58 tỷ USD năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 11%/năm. Trong vòng 16 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều đạt giá trị cao nhất vào năm 2018 là 18,61 tỷ USD, chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan. Sang năm 2019 và năm 2020, do ảnh hưởng bởi hạn hán tại Thái Lan và tình hình dịch bệnh COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều giảm, đặc biệt là đối với kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Thái Lan. Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan trong những năm qua luôn ở trạng thái không cân bằng với mức thâm hụt nghiêng về phía Việt Nam. Mức thâm hụt trong quan hệ thương mại Việt Nam - Thái Lan ngày càng lớn, tăng từ 1,43 tỷ USD năm 2004 lên 7,11 tỷ USD năm 2018 và 5,54 tỷ USD năm 2020. Nhóm các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Thái Lan bao gồm điện thoại, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu những mặt hàng từ Thái Lan, như: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, nguyên liệu, hàng điện gia dụng và linh kiện.

Về đầu tư, trong những năm gần đây, không chỉ các tập đoàn lớn mà ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan đã tăng cường mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, cùng với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sự thành công của các dự án trong GMS nên Việt Nam đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư Thái Lan. Tính đến năm 2019, Thái Lan có 560 dự án còn hiệu lực, tương đương tổng số vốn đăng ký là 10,9 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam (sau Singapore và Malaysia) và đứng thứ chín trong số hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (2). Các dự án này phủ rộng khắp các tỉnh, thành phố của Việt Nam (41/63 tỉnh, thành phố). Đến năm 2020, Thái Lan có 40 dự án đăng ký mới, 23 dự án đăng ký điều chỉnh vốn và 100 lượt góp vốn mua cổ phần vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt gần 1,8 tỷ USD. Con số này tăng gấp đôi so với năm 2019 và gần gấp 7 lần so với giai đoạn 2015 - 2020 (3). Các lĩnh vực đầu tư mà doanh nghiệp Thái Lan đang rất quan tâm tại thị trường Việt Nam khá đa dạng, chủ yếu là công nghiệp chế biến - chế tạo, năng lượng sạch và bất động sản. Ở chiều ngược lại, số lượng dự án và số vốn của các dự án Việt Nam đầu tư sang Thái Lan còn hạn chế. Năm 2019, Việt Nam có 10 dự án đầu tư sang Thái Lan với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 25,79 triệu USD, đứng thứ 22 trên tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Thái Lan (2).

Về du lịch, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực du lịch cũng được thúc đẩy nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai bên. Nhờ chính sách miễn thị thực trong khuôn khổ của ASEAN, đường hàng không thuận tiện với nhiều ưu đãi hấp dẫn, khoảng cách địa lý gần nhau và các chương trình khuyến mại đặc biệt, Thái Lan và Việt Nam nằm trong nhóm 12 thị trường gửi khách du lịch hàng đầu của nhau. Năm 2019, có 1,07 triệu người Việt Nam đến Thái Lan du lịch, mang lại nguồn thu 33 tỷ Bạt (tương đương 1,08 tỷ USD) cho Thái Lan (4), còn du lịch Việt Nam chứng kiến sự tăng vọt kỷ lục của du khách đến từ Thái Lan với 510 nghìn lượt khách (tăng 45,9% so với năm 2018). Tính từ năm 2015 đến năm 2019, số lượng du khách Thái Lan đến Việt Nam tăng 2,4 lần, mức tăng trưởng bình quân đạt 24,1%/năm (5). Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, du lịch quốc tế của cả hai nước hầu như bị đóng băng. Điều này gây không ít khó khăn cho cả Việt Nam và Thái Lan trong việc phát triển hợp tác du lịch.

Về văn hóa, với sự tương đồng về văn hóa do cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan luôn tăng cường hợp tác văn hóa, giao lưu giữa nhân dân hai nước. Trong những năm gần đây, hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội thảo. Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ “Ngày Thái Lan tại Việt Nam” và “Hội chợ triển lãm thương mại Thái Lan tại Việt Nam”; cùng Bộ Văn hóa Thái Lan tổ chức “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Thái Lan”. Hai nước tích cực ủng hỗ lẫn nhau trong các hoạt động, dự án hợp tác văn hóa, nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác đa phương của Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN.

Về hợp tác trong giáo dục - đào tạo, năm 2004, hai nước đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Thái Lan. Theo đó, các hoạt động hợp tác về giáo dục ngày càng được đẩy mạnh. Đáng chú ý, ngày 8-6-2012, Việt Nam đã phê chuẩn Hiến chương AIT do Viện Công nghệ châu Á (AIT) của Thái Lan khởi xướng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Thái Lan cũng như với các nước tham gia Hiến chương. Ngoài ra, hai nước còn hợp tác tổ chức Chương trình giao lưu thanh niên luân phiên tại Thái Lan và Việt Nam từ năm 2009 đến nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nước thống nhất mở các khóa bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Thái Lan và ngược lại. Nhằm hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu học tiếng Thái Lan của học sinh, sinh viên Việt Nam phục vụ cho nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp Thái Lan, Chính phủ Thái Lan hiện đang hỗ trợ dạy tiếng Thái Lan cho 5 trường đại học của Việt Nam (6). Cùng với đó, Chính phủ và các cơ sở giáo dục Thái Lan còn dành các suất học bổng ngắn hạn, đào tạo đại học và sau đại học cho các sinh viên và học viên Việt Nam. Các hoạt động này góp phần tăng cường sự hợp tác giáo dục, tạo điều kiện cho người dân của Việt Nam và Thái Lan hiểu thêm về con người, cuộc sống của nước bạn và đặc biệt cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu hội nhập quốc tế của cả hai nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ tư Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Thái Lan, ngày 19-11-2021_Ảnh: TTXVN  

Một số khó khăn

Để có thể đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan lên một bước phát triển mới, hai nước cần cùng nhau nỗ lực khắc phục một số khó khăn, thách thức:

Thứ nhất, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan hiện đang chịu tác động đáng kể từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Sẽ rất khó để có thể cùng hợp tác và phát triển thành công nếu khu vực, thế giới có nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn, khó đoán định. Ngay tại Thái Lan, tình hình chính trị luôn đối mặt với nhiều thách thức, bất ổn, cũng là nhân tố cản trở không nhỏ đến hợp tác của Thái Lan với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Thái Lan đang phải ứng phó với dịch bệnh COVID-19 lan rộng.

Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa và tự do thương mại, quá trình bảo hộ thương mại cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ, tác động đến việc điều chỉnh chiến lược hợp tác song phương giữa hai nước. Các quốc gia đang phải cân nhắc giữa việc bảo vệ sản xuất trong nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã có thêm 4.000 biện pháp bảo hộ thương mại mới được áp dụng trên thế giới với nhiều hình thức khác nhau, như: biện pháp phòng vệ thương mại (áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, tăng thuế), các hình thức phân biệt đối xử và rào cản địa phương. Bảo hộ thương mại gia tăng trong những năm gần đây khiến một số quốc gia phải cân nhắc vấn đề lợi ích quốc gia lên trên hết trong các quan hệ hợp tác song phương và đa phương. Dưới tác động của xu hướng bảo hộ thương mại, nhiều quốc gia trong ASEAN và đối tác của ASEAN một mặt ủng hộ thương mại tự do và hội nhập kinh tế quốc tế; mặt khác, chủ trương tập trung phát triển nền kinh tế quốc gia mạnh hơn, giảm mức độ cam kết với các cơ chế đa phương khu vực.

Cùng với đó, các cuộc cạnh tranh giành vai trò ảnh hưởngtrong khu vực đang tăng lên giữa các cường quốc, ảnh hưởng đến cục diện của khu vực, khiến các quốc gia luôn phải linh hoạt để có thể đưa ra những phương án hợp tác phù hợp, nhất là trong bối cảnh các nước trên thế giới ngày càng liên kết mạnh mẽ với nhau. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cùng với việc Mỹ tìm cách đối phó với Trung Quốc nhằm duy trì ảnh hưởng trên thế giới tạo ra những biến động mới trong khu vực. Việc tập hợp lực lượng xoay trục trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang đặt các nước trong khu vực vào thế khó, nhất là trên phương diện đối ngoại. Không chỉ vậy, các cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc… diễn ra cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại, đầu tư toàn cầu.

Thứ hai, thách thức đến từ các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn nước và dân số. Thái Lan hiện đang phải hứng chịu nạn hạn hán nghiêm trọng. Mực nước của sông Chao Phraya liên tục giảm trong những năm gần đây khiến người dân không có đủ nước sinh hoạt. Ngoài ra, sự suy giảm mực nước đã dẫn đến việc nước biển xâm nhập vào nguồn nước, tác động xấu đến các ngành sử dụng nước như nông nghiệp và các nhà máy sản xuất. Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Thái Lan, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp vốn là lợi thế của Thái Lan (như gạo và đường). Cũng như Thái Lan, Việt Nam vừa phải đối mặt với nạn xâm nhập mặn, vừa phải hứng chịu những tác động nghiêm trọng do lũ lụt.

Ngoài ra, việc kiểm soát môi trường trong ngành công nghiệp tại Việt Nam và Thái Lan còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là tình trạng gia tăng xói lở đất do khai thác không bền vững nguồn khoáng sản, ô nhiễm hóa chất và nước thải công nghiệp không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường nước và không khí. Trong khi đó, việc quản lý môi trường nước vẫn là một thách thức do thiếu tiêu chuẩn thống nhất về an toàn; trang thiết bị và nguồn lực hạn hẹp nên khó quản lý và ứng phó với các rủi ro tiềm tàng. Nếu cả Việt Nam và Thái Lan không chú trọng đến vấn đề môi trường thì quá trình phát triển sẽ làm tổn hại hệ sinh thái và gây ra những hậu quả không nhỏ. Hai nước cần nhận thức rõ để đưa ra những chính sách phù hợp tiến tới mục tiêu liên kết các thị trường trong khu vực trở thành một không gian kinh tế phát triển chung, năng động và bền vững.

Thứ ba, vấn đề nguồn vốn và nguồn lực cho việc thực hiện các cơ chế hợp tác. Đây là vấn đề cần được chú trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hiện nay, Việt Nam và Thái Lan đang cùng các nước trong khu vực triển khai một số dự án lớn từ xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, an sinh xã hội… Điều này đòi hỏi sự phát triển các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn và nhân lực chất lượng cao. Mặc dù Thái Lan và Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ bên ngoài, nhất là từ Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU),… và các tổ chức tài chính quốc tế khác, song nhu cầu nguồn vốn chưa thể đáp ứng được yêu cầu mà các cơ chế hợp tác trong khu vực kỳ vọng. Hơn thế nữa, việc giải ngân các nguồn vốn này là không đơn giản, nhất khi viện trợ còn đi kèm những điều kiện phi kinh tế và chịu nhiều sự ràng buộc khắt khe.

Bên cạnh đó, trên thực tế, Việt Nam có lợi thế lớn về nguồn nhân lực cho tăng trưởng, nhưng chất lượng chưa tương xứng với tốc độ gia tăng về quy mô, về mức độ hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Lao động có kỹ năng là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững, thu nhập cao và đáp ứng được yêu cầu của các ngành trong việc sử dụng công nghệ hiện đại và hoạt động quản lý thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, có thể thấy, lao động của Việt Nam phần lớn là lao động chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Vì vậy, thách thức lớn đối với người lao động đó là khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghệ, nhất là khi Thái Lan đã và đang thực hiện “Chiến lược Kinh tế Thái Lan 4.0”. Ngoài ra, thách thức trong hợp tác hai bên còn là rào cản về ngôn ngữ. Mặc dù đã có các chương trình định hướng giáo dục phù hợp, song nguồn nhân lực chất lượng cao có sự hiểu biết về Thái Lan và tiếng Thái Lan ở Việt Nam còn hạn chế.

Thứ tư, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã làm chậm quá trình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan. Mặc dù Chính phủ Thái Lan và Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hết sức nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, song tình hình dịch bệnh ở cả hai nước vẫn đang rất phức tạp. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 cũng khiến nhiều doanh nghiệp nhận thức được sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, khu vực ASEAN nổi lên là một điểm đến tiềm năng do có lợi thế lớn về nguồn nhân lực cùng với sự hỗ trợ chính sách về thuế và tiền thuê nhà xưởng… Do đó, Mỹ cùng với nhiều quốc gia đang đẩy nhanh quá trình dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất kinh doanh về nước hoặc tới một số đối tác khác, trong đó có các nước ASEAN. Mặc dù đây là cơ hội quan trọng để khu vực Đông Nam Á có thể trở thành “công xưởng của thế giới” nhưng xu hướng này cũng đặt ra thách thức lớn đối với các nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan và Việt Nam. Các quốc gia sẽ phải nỗ lực vượt bậc để cấu trúc lại nền kinh tế, cải thiện thể chế quản lý, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng cứng và mềm, xây dựng các bộ tiêu chuẩn chung về chất lượng sản phẩm và quản lý, đặc biệt tăng cường liên kết trong khu vực.

Triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam - Thái Lan

Chương trình biểu diễn nghệ thuật "Đêm Gala Việt Nam - Thái Lan: 45 năm hữu nghị" nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập ngoại giao Việt Nam - Thái Lan_Nguồn: toquoc.vn  

Với những kết quả đạt được kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 45 năm, trong những năm tới, quan hệ Việt Nam - Thái Lan sẽ tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy ngày càng sâu sắc và hiệu quả quan hệ “đối tác chiến lược”.

Về chính trị - ngoại giao, hai nước tiếp tục tăng cường các chuyến thăm và gặp mặt, trao đổi cấp cao và các cấp; duy trì cơ chế hợp tác song phương trên các lĩnh vực đã ký kết; đồng thời, ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Hai nước thúc đẩy sớm ký kết Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2021 - 2025. Xác định thời gian, hình thức phù hợp để tổ chức Kỳ họp nội các chung lần thứ tư giữa Việt Nam - Thái Lan, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng như GMS, xây dựng AC, thúc đẩy phê chuẩn và thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Về thương mại, trong giai đoạn tới, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, song hai nước phấn đấu tăng thêm giá trị kim ngạch thương mại song phương khoảng 5%/năm. Việt Nam có thể khắc phục dần tình trạng nhập siêu từ Thái Lan thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như điện thoại và các linh kiện máy móc.

Về đầu tư, với sự thuận lợi của các cơ chế hợp tác đã ký kết, các doanh nghiệp Thái Lan sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt tại khu vực miền Trung của Việt Nam, nhằm tận dụng các cam kết trong khuôn khổ GMS để phát triển các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan giáp với Lào. Ngược lại, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư hơn nữa sang Thái Lan với các ngành tiềm năng như nông nghiệp, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng.

Về hợp tác phát triển du lịch, trong giai đoạn tới, với việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 diện rộng và mở cửa thị trường du lịch sẽ góp phần thúc đẩy số lượng khách du lịch giữa hai nước.

Về hợp tác văn hóa, giáo dục, năm 2021, hai nước thực hiện các hoạt động văn hóa nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan bằng nhiều hình thức, chủ yếu là hình thức trực tuyến. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Thái Lan đã ký kết Biên bản ghi nhớ trao đổi văn hóa giai đoạn 2021 - 2026. Trên cơ sở đó, quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai nước tiếp tục được tăng cường và phát triển. Nhằm thúc đẩy tăng cường đầu tư và xuất khẩu lao động, việc giảng dạy tiếng Thái Lan sẽ được mở rộng hơn trên nhiều hình thức, đặc biệt tại khu vực miền Trung Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các lớp học tiếng Việt Nam cho nhà quản lý người Thái Lan cũng sẽ được mở rộng và phát triển. Các nguồn học bổng trao đổi hai bên sẽ được tăng cường sau khi dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát.

Có thể nói, những kết quả đạt được sau 45 năm hợp tác đã minh chứng Việt Nam và Thái Lan là những đối tác quan trọng, đồng hành với nhau trong các cơ chế của khu vực và quốc tế. Trong những năm tới, mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức song truyền thống hợp tác lâu dài cùng sự nỗ lực của chính phủ, doanh nghiệp và người dân là nền tảng quan trọng để tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Thái Lan lên bước phát triển mới./.

----------------------

(1) Tạ Thị Nguyệt Trang: Quan hệ Việt Nam - Thái Lan dưới góc nhìn của chủ nghĩa tự do (2006 - 2015), Luận văn thạc sỹ, Đại học Quốc gia Hà Nội
(2) VCCI: “Hồ sơ thị trường Thái Lan”, http://vcci.com.vn/uploads/Thailand_2020.pdf
(3) Hoa Quỳnh: “Doanh nghiệp Thái Lan tăng cường đầu tư vào Việt Nam”, báo Công thương điện tử, ngày 18-1-2021, https://congthuong.vn/doanh-nghiep-thai-lan-tang-cuong-dau-tu-vao-viet-nam-151086.html
(4) “Thái Lan tăng cường thu hút du khách Việt Nam”, báo Thế giới và Việt Nam điện tử, ngày 9-12-2019, https://baoquocte.vn/thai-lan-tang-cuong-thu-hut-du-khach-viet-nam-105860.html
(5) “Sức hút mạnh mẽ của du lịch Việt Nam với du khách Thái Lan”, trang Thông tin điện tử của Tổng cục Du lịch, ngày 6-5-2020, https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/32434
(6) “Dấu mốc hợp tác giáo dục Việt Nam - Thái Lan”, báo Giáo dục và Thời đại, ngày 6-3-2015, https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dau-moc-hop-tac-giao-duc-viet-nam-thai-lan-693768.html