Nối vòng tay lớn trong tâm bão COVID-19 tại Liên bang Nga

(Mặt trận) - Nhóm “Tương trợ người Việt tại Nga” đã thực sự là cầu nối trong cộng đồng giữa đại dịch COVID-19 nguy hiểm. Từng thành viên, từng bà con đã cùng nhau “nối vòng tay lớn” để giúp ích cho cộng đồng bằng những hành động thiết thực.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Hội nghị trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm công tác Mặt trận giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước

Phóng viên TTXVN trao đổi với bác Nguyễn Hùng Phong, một trong những thành viên của nhóm. Ảnh: Duy Trinh/P/v TTXVN tại Liên bang Nga

 Từ ý tưởng thành lập nhóm hỗ trợ y tế cho người Việt ở Moskva trong giai đoạn cách ly, lập trang facebook để dễ tiếp cận cộng đồng, tới những ngày làm việc không nghỉ, trả lời hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn của đồng bào, nhóm “Tương trợ người Việt tại Nga” đã và đang thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ. Song điều quan trọng hơn là tình cảm mà người Việt đang dành cho nhau trong đại dịch COVID-19 ở Moskva.

Theo nhóm phóng viên TTXVN tại Nga, nhóm “Tương trợ người Việt tại Nga” ra đời sớm nhất ở Moskva để hỗ trợ cho những người nhiễm virus SARS-CoV-2, hay những người không may bị ốm trong cơn bão COVID-19. Ngay từ khi thủ đô nước Nga bước vào giai đoạn cách ly, những người chủ chốt như anh Đỗ Quý Dương, chị Trịnh Thị Thu Thanh, chị Vân Anh, anh Quyết đã quyết định thành lập nhóm từ ngày 28/3 để phiên dịch và hỗ trợ bà con khám chữa hay nhập viện, đặc biệt là tư vấn tâm lý để bà con không hoang mang, hoảng sợ. Sau khi nhóm được các thành viên cốt cán thành lập, nhiều cá nhân đã tình nguyện đăng ký tham gia và hiện đã có hơn 60 người.

Trao đổi với bác Nguyễn Hùng Phong, một thành viên nhiều tuổi, có tầm nhìn và hiểu biết thuộc “tiểu ban” tư vấn, bác Phong cho biết đa phần người Việt ở Moskva không thông thạo tiếng Nga, thiếu thông tin, không hiểu biết về y tế và không có bảo hiếm y tế nên rất dễ hoang mang và thường có cảm giác bị bỏ rơi khi đau ốm. Phần lớn người Việt lại làm ăn ngoài chợ nên có nguy cơ lây nhiễm cao do tiếp xúc với nhiều người. Chưa kể, nhiều người có thu nhập thấp, sống chung với nhau trong không gian chật hẹp nên yếu tố vệ sinh không hoàn toàn được đảm bảo. Điều này tạo ra nguy cơ rất lớn nếu như trong cộng đồng người Việt có người bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo bác Nguyễn Hùng Phong, trong bối cảnh hiện nay, người Việt tại Moskva cần tập trung nguồn lực, đoàn kết chặt chẽ và tương trợ lẫn nhau. Trong khi đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva hỗ trợ, chăm lo cho những người bị bệnh, đồng thời giải quyết những khó khăn sau này của bà con trong giai đoạn hậu COVID-19.

Trong câu chuyện sau đó với chị Nguyễn Thị Ninh Hải, quê Ninh Bình, nhóm phóng viên TTXVN được biết chị là người trực tiếp tham gia vào việc hỗ trợ người Việt cả về y tế và tâm lý khi đưa họ đi khám bệnh, gọi cấp cứu, hay đưa tới bệnh viện. Chị Hải cho biết, nhóm “Tương trợ người Việt tại Nga” thành lập ngày 28/3 thì chỉ hai ngày sau chị đã phải trả lời rất nhiều cuộc gọi điện thoại của bà con đang mang trong mình tâm lý hoang mang, lo lắng.

Chị kể có thành viên trong nhóm mỗi ngày nhận tới 300 tin nhắn, điện thoại lúc nào cũng trong tình trạng “cháy máy”. Hiện nhóm đã chia lịch trực điện thoại theo ca, mỗi ca có hai người, trực từ 1-2 tiếng và hoạt động trong suốt 24 giờ. Cũng theo chia sẻ của chị Hải, giai đoạn khó khăn nhất là trong 10 ngày đầu tiên vì các thành viên trong nhóm chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức tư vấn, trong khi bà con lại gọi tới quá nhiều. Vì thế, các thành viên vừa phải “sắm vai” bác sĩ tâm lý, vừa phải phân loại người bệnh, tự bổ sung kiến thức và tìm các cơ sở chữa bệnh ở gần để đưa bà con đến. Chị Hải cho biết thêm là có những người hợp nhiều thành viên trong một gia đình cùng mắc bệnh, có gia đình có trẻ nhỏ mắc bệnh, hay có những người trong tình trạng nguy kịch khiến các thành viên trong nhóm rất lo lắng.

Khoảng một tuần sau khi nhóm “Tương trợ người Việt tại Nga” ra đời, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cũng đã thành lập thêm nhóm sinh viên trường y để hỗ trợ bà con, đồng thời tổ chức các buổi tọa đàm tư vấn cho bà con yên tâm. Vì thế, gánh nặng đối với nhóm “Tương trợ người Việt tại Nga” được giảm dần. Là người bám sát cộng đồng ngay từ những ngày đầu, chị Hải ngỏ lời cảm ơn các y bác sĩ Nga, những người trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 và luôn tận tình chăm sóc bệnh nhân Việt Nam mà không hề phân biệt đối xử.

Khiêm tốn và thầm lặng là cảm nhận khi chúng tôi trò chuyện với anh Đỗ Quý Dương, người đã lập ra trang facebook và tổ chức hoạt động trong nhóm “Tương trợ người Việt tại Nga”. Anh Dương cho biết trong 15 ngày đầu cả nhóm gặp rất nhiều khó khăn vì là nhóm đầu tiên hoạt động tại Moskva. Các trường hợp chữa bệnh tại nhà rất nhiều, việc cách ly khó khăn dẫn đến tâm lý lo lắng của bà con. Tuy nhiên, nhóm được tổ chức chặt chẽ, phân chia nhiệm vụ rõ ràng theo từng mảng như phân tích, tư vấn về tâm lý, hoặc liên lạc, tiếp xúc với các y bác sĩ Nga nên mọi người không “dẫm chân lên nhau”. Anh Dương cho biết việc Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga tổ chức 2 buổi tư vấn trực tuyến cho bà con với các bác sĩ ở Việt Nam đã mang lại hiệu quả rất cao, giúp trang bị nhiều kiến thức cho cộng đồng về dịch COVID-19 cũng như giải tỏa đáng kể tâm lý cho những người mắc bệnh.

Trước những công việc đầy ấn tượng đã làm được, nhóm “Tương trợ người Việt tại Nga” đã thực sự là cầu nối trong cộng đồng giữa đại dịch nguy hiểm. Từng thành viên, từng bà con đã cùng nhau “nối vòng tay lớn” để giúp ích cho cộng đồng bằng những hành động thiết thực. Đây không chỉ là một hình ảnh đẹp của cộng đồng người Việt ở Moskva cùng giúp nhau vượt qua đại dịch COVID-19, mà còn có thể được duy trì và phát huy mỗi khi xảy ra bất cứ thử thách nào sắp tới.