Nhìn lại năm 2022: Bước khởi sắc của đối ngoại nhân dân

(Mặt trận) - Năm 2022, cùng với hai trụ cột đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, trụ cột đối ngoại nhân dân đã có bước khởi sắc và bứt phá sau một thời gian dài bị gián đoạn, đóng góp thực chất cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt, vinh danh 8 tập thể, 18 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi điện mừng tới Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt Đoàn đại biểu Hội đồng Hòa bình thế giới nhân dịp Đại hội lần thứ 22 của Hội đồng tổ chức tại Việt Nam 

Một năm sôi động

Dịch COVID-19 được kiểm soát, đất nước mở cửa trở lại và bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng, nhờ vậy, nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân bằng hình thức trực tiếp đã diễn ra sôi nổi.

Điểm lại một số hoạt động nổi bật, ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) cho biết, ngoài việc tổ chức các đoàn ra đoàn vào, Liên hiệp Hữu nghị đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ 45 quốc gia, 56 tổ chức trên thế giới cùng trên 100 đại biểu, khách mời Việt Nam. Theo đánh giá của lãnh đạo Hội đồng và tất cả các đại biểu tham dự hoạt động, từ năm 1996, đây là Đại hội thành công nhất xét trên tất cả các khía cạnh. Tuyên bố chính trị được thông qua với đồng thuận cao. Việc tổ chức thành công Đại hội đã giúp nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam nói riêng trong phong trào hòa bình thế giới, đối với các tổ chức của đảng Cộng sản, cánh tả và trong mắt bạn bè quốc tế.

Liên hiệp Hữu nghị tổ chức hàng loạt sự kiện ngoại giao và hữu nghị với các nước, như: Chuỗi các hoạt động chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia; 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, Áo; 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Tây Ban Nha; 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Uzberkistan; 10 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga; 5 năm quan hệ đối tác toàn diện với Canada...

Cùng với đó, Liên hiệp Hữu nghị tổ chức Chương trình Giao lưu Hữu nghị Quốc tế năm 2022 tại Tuyên Quang; phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2022 tại Cao Bằng; tổ chức Đại hội thành lập 2 Hội mới: Hội Hữu nghị Việt Nam - Nepal và Hội Hữu nghị Việt Nam - Áo.

Trong công tác phổ biến, quán triệt và xây dựng Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, Liên hiệp Hữu nghị đã phổ biến nội dung của Chỉ thị tới các tổ chức thành viên trong hệ thống. Trên cơ sở đó, nhiều Liên hiệp các tổ chức hữu nghị ở địa phương đã tham mưu, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức các Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 12-CT/TW bằng nhiều hình thức cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành và hội viên các hội hữu nghị trên địa bàn; từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả tối đa cho việc triển khai Chỉ thị 12 tại địa bàn.

Cùng với đó, dù còn nhiều khó khăn, công tác phi chính phủ nước ngoài tiếp tục được thực hiện chủ động và tích cực hơn. Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã tổng kết 3 năm thực hiện Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025. Theo đó, năm 2020 có 490 tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam, năm 2021 có 481 tổ chức, năm 2022 có 436 tổ chức. Giá trị viện trợ giải ngân từ năm 2020 đến tháng 6/2022 đạt gần 562 triệu USD ở một số lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, tài nguyên - môi trường, hỗ trợ tư pháp, phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội.

Năm 2022, Liên hiệp Hữu nghị vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai ngoại giao vaccine năm 2021.

Đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Liên hiệp Hữu nghị, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp cho biết, chủ đề đối ngoại nhân dân của VUFO trong năm 2023 là "Đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội".

Theo đó, năm 2023, toàn hệ thống Liên hiệp bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đối nội và đối ngoại để triển khai nhiệm vụ đối ngoại, hoàn thành kế hoạch công tác đề ra, đặc biệt là các sự kiện lớn như kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris (1973 - 2022), giao lưu hữu nghị quốc tế 2023 tại Lào Cai...

Về công tác hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, Liên hiệp Hữu nghị cùng các đơn vị trực thuộc đa dạng hóa phạm vi, đối tác, lực lượng; duy trì, củng cố và mở rộng quan hệ đối tác; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025 và triển khai Nghị định 58/2022/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam để huy động tốt nhất nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Công tác phi chính phủ nước ngoài phải gắn với mục tiêu chính trị, đối ngoại; kế hoạch vận động viện trợ thiết thực, hiệu quả; xây dựng dữ liệu về nhu cầu viện trợ.

Liên hiệp Hữu nghị tăng cường nâng cao nhận thức về đối ngoại nhân dân, tuyên truyền về thành tựu mọi mặt của Việt Nam, lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề có liên quan; tăng cường sự tham gia của các tổ chức thành viên trong công tác thông tin đối ngoại, ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng đa ngôn ngữ. Đồng thời, tham mưu, nghiên cứu định hướng phát triển Liên hiệp Hữu nghị đến năm 2030, công tác phi chính phủ nước ngoài và phong trào nhân dân thế giới; tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống, tăng cường gắn kết giữa Liên hiệp Trung ương và Liên hiệp địa phương; tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về công tác đối ngoại nhân dân ở Bình Định; đẩy mạnh công tác đào tạo; hoàn thành các quy chế, quy định và đề án vị trí việc làm.