Người Việt tại Campuchia: Những ngày chống Covid-19

(Mặt trận) - Mới đây, Campuchia quyết định phong tỏa tỉnh Preah Sihanouk để phòng dịch Covid-19 lây lan. Trước tình hình này, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Preah Sihanouk cũng kêu gọi bà con gốc Việt và những người Việt đang làm việc tại tỉnh Preah Sihanouk hết sức cẩn trọng phòng dịch bệnh nguy hiểm này.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt, vinh danh 8 tập thể, 18 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi điện mừng tới Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh

 Bà con gốc Việt tại Phnom Penh nhận quà cứu trợ. Nguồn: Nhandan.vn.  

Cụ thể, sáng 4/3, nhà chức trách Campuchia bắt đầu thực hiện biện pháp hạn chế người dân ở tỉnh Tây Nam Preah Sihanouk đi ra các địa phương khác nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19. Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Preah Sihanouk liên tiếp phát hiện nhiều ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Trong số những ca dương tính Covid-19, có 5 công dân Việt Nam nằm trong danh sách này vì vậy Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk đã liên hệ, đề nghị các cơ quan hữu quan địa phương quan tâm và dành sự chăm sóc tốt nhất đối với các công dân Việt Nam đang được cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế.

Đồng thời Tổng lãnh sự quán kêu gọi bà con tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch mà chính quyền và ngành y tế nước sở tại đề ra, nhất là việc hạn chế đi lại trong những ngày dịch bệnh phức tạp.

Theo thông báo của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Preah Sihanouk (phụ trách lãnh sự 6 tỉnh, gồm Preah Sihanouk, Kep, Kampot, Koh Kong, Takeo và Kampong Speu), trong thời gian hạn chế đi lại, nếu có thắc mắc cần giải đáp, bà con gốc Việt và công dân Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk có thể liên hệ các đầu mối của Tổng Lãnh sự quán. Cụ thể: Công tác lãnh sự, số điện thoại: 0882248888; Công tác Việt kiều, số điện thoại: 0977988666.

Sự xuất hiện những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cộng đồng lần thứ ba tại Campuchia đang làm tăng nhanh số lượng bệnh nhân. Trước đó, do dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm gia tăng các nhóm tội phạm dụ dỗ, mời chào trên mạng rằng mỗi người đóng 250 USD để nhập cảnh lậu, trốn cách ly. Thậm chí tại Sihanoukville còn có những mạng lưới tội phạm chào mời mức giá 400 USD/người.

Đại sứ Vũ Quang Minh đã chia sẻ thông tin trên tài khoản Facebook của ông, khuyến cáo bà con người Việt tuyệt đối không làm theo đồng thời khẳng định mọi công dân Việt Nam có giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp (hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân) đều được giải quyết thủ tục nhập cảnh bình thường qua các cửa khẩu quốc tế giữa Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên,  sau khi nhập cảnh, bà con sẽ được xét nghiệm Covid-19 và đưa tới khu cách ly tập trung theo quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như gia đình và cộng đồng.

Hiện số lượng người Campuchia gốc Việt sinh sống và làm ăn trên đất nước Campuchia có khoảng trên dưới 100.000 người, chủ yếu sinh sống ở các tỉnh phía Đông giáp Việt Nam, tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Seam Reap. Nhìn chung, đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, số người sống tại các thành phố lớn thì chủ yếu là các tiểu thương nhỏ và làm công nhân tại các công ty.

Còn số lớn sinh sống ở các tỉnh của Campuchia (chiếm hơn 70% trong số cộng đồng người Campuchia gốc Việt tại Campuchia), mưu sinh bằng việc đánh bắt thủy hải sản quanh khu vực các con sông ở Campuchia như Sông Mekong, khu vực Biển Hồ, thu nhập của số cộng đồng này thấp, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, khi bệnh dịch xảy ra lại càng gặp nhiều khó khăn hơn. Thế nhưng bên cạnh sự quan tâm của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia, thời gian qua câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC) cùng các nhà hảo tâm người Việt đang sinh sống và làm việc trên đất nước Chùa Tháp với tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã tổ chức phát quà cứu trợ cho bà con gốc Việt có hoàn cảnh khó khăn.

Theo anh Lê Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành VBCC, ngoài việc quyên góp quà cứu trợ, các doanh nghiệp thành viên VBCC đã có phương án giúp đỡ bà con gốc Việt từ trước và sau dịch bệnh. Động viên các gia đình cho con em đến trường, tạo điều kiện cho bà con có công ăn việc làm tại đơn vị mình để về lâu dài giúp bà con vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập tốt hơn vào xã hội sở tại.

Thời gian qua, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia cũng thường xuyên gặp gỡ với các tổ chức hội, đoàn của Khmer - Việt tại Campuchia, thông qua mỗi buổi sinh hoạt gặp gỡ, cán bộ đại diện đã chủ động phối hợp với ban đại diện các tổ chức hội đoàn để tìm hiểu những khó khăn trong đời sống sinh hoạt cũng như các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý của bà con kiều bào.